Dạy thêm - quản lý bằng luật
Ngày 20-11-2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, khi trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhận định, cần đưa hoạt động dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo Bộ trưởng, đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý việc học và dạy thêm ngoài trường học.
Ngay sau khi được đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận định này đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận và cộng đồng mạng. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, đối với những học sinh có lực học dưới trung bình, cách tốt nhất vẫn là học thêm để có thể theo kịp chương trình học ở lớp. Vì những em này thường có tinh thần tự học không cao, nếu cứ để các em tự học, tự nghiên cứu hoặc hỏi thầy, cô, bạn bè thì chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, phụ huynh lại không thể hướng dẫn con học, bởi chương trình giáo dục có nhiều kiến thức mới mà không phải phụ huynh nào cũng nắm bắt được. Đối với những học sinh giỏi, tại các lớp học thêm thầy cô sẽ bổ khuyết hoặc nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu của từng em.
Vì thế, việc dạy thêm và học thêm không xấu mà biến tướng của hoạt động này đã khiến xã hội có cái nhìn xấu về dạy thêm, học thêm. Đó là tình trạng một số giáo viên mở lớp dạy thêm và có ý ép học sinh của mình theo học. Thậm chí có trường hợp những học sinh nào học thêm sẽ được “mớm trước” “gà bài” kiểm tra để đạt điểm cao. Chưa hết, lại có giáo viên tổ chức dạy thêm với mức học phí mà chỉ những gia đình kinh tế khá mới cho con theo được. Vậy nên cứ vào đầu mỗi năm học, không ít phụ huynh lại tất bật tìm thầy, cô dạy thêm cho con mình, nhất là những môn học chính, như: Toán, Vật lý, Hóa học, ngoại ngữ… Và chính cách nghĩ, cách làm này đã khiến xã hội có cái nhìn không tốt về dạy thêm, học thêm.
Trong nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã có rất nhiều quy định về dạy thêm, học thêm, đặc biệt là Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường. Bên cạnh đó, bộ cũng đã ban hành các quy định về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử trong trường học, văn hóa học đường... Tuy nhiên, với môi trường ngoài nhà trường, trong đó có hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn còn đang trống cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý. Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với đề nghị: Khi sửa Luật Đầu tư năm 2020, cần bổ sung hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng đến nay việc này vẫn chưa được chấp thuận.
Vấn đề đặt ra ở đây là trong lúc chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định bổ sung việc dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GD&ĐT cần phối hợp UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất biện pháp, quy chế quản lý hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường. Trước hết là việc tổ chức lớp dạy thêm, học thêm phải trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh và phù hợp trình độ của người học. Giáo viên và cơ sở dạy thêm tuyệt đối không được o ép học sinh để tổ chức các lớp dạy thêm, học thêm. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác phối hợp chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục trong việc tổ chức kiểm tra các lớp học thêm ngoài nhà trường để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp dạy thêm trái quy định. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/151160/day-them-quan-ly-bang-luat