Dạy trẻ biết chào
Khi ta chào hỏi người khác, ta đang gửi đi một tín hiệu tích cực. Nếu họ không đáp lại, đó là lựa chọn của họ...
Chiều xuân dìu dịu, hai ông cháu dắt nhau đi dạo trên con đường làng. Đang đi, cậu bé bỗng níu tay ông lại, vẻ mặt đầy băn khoăn:
- Ông ơi, sao lúc nãy mình gặp hai người, bác đầu tiên thì tươi cười chào ông, còn xoa đầu cháu và khen cháu ngoan. Nhưng bác thứ hai lại chẳng nói gì, cứ thế bước qua? Có phải bác đầu tiên là người quen của ông, còn bác kia không quen nên mới vậy không ạ?
Ông khẽ mỉm cười, ánh mắt hiền từ, chậm rãi đáp:
- Không phải đâu con ạ. Việc chào hỏi không chỉ dành cho người quen, mà là một nét đẹp trong cách ứng xử. Một lời chào dù giản đơn cũng có thể sưởi ấm lòng người khác, giúp con người thêm gần gũi và gắn kết hơn.
Cháu gật gù, nhưng vẫn còn điều chưa rõ:
- Nhưng nếu ai đó không chào mình trước thì sao ạ? Nếu mình chào mà họ không đáp lại thì có buồn không ông?
Ông bật cười, xoa nhẹ lên mái tóc mềm của cháu:
- Quan trọng là cháu có thiện ý trước đã. Khi ta chào hỏi người khác, ta đang gửi đi một tín hiệu tích cực. Nếu họ không đáp lại, đó là lựa chọn của họ. Nhưng ta vẫn thấy lòng thanh thản vì mình đã làm một điều tốt.
Vừa lúc đó, một bác hàng xóm đi tới. Ông chủ động nở nụ cười, chào bác trước. Bác liền đáp lại vui vẻ:
- Hai ông cháu đi dạo đấy à? Trời xuân mát mẻ thế này, đi một hồi thấy khoan khoái hẳn đấy.
Cậu bé đứng bên cạnh quan sát, chợt hiểu ra điều gì đó, cậu mạnh dạn nhoẻn miệng cười, lễ phép nói to:
- Cháu chào bác ạ!
Bác hàng xóm bất ngờ, nhưng rồi khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên:
- Ôi, cháu ngoan quá. Chúc cháu luôn khỏe mạnh, học giỏi nhé!
Ông xoa đầu cháu, ánh mắt đầy yêu thương:
- Đấy con thấy không, một câu chào giản dị thôi nhưng lại có thể khiến cả hai bên thấy vui vẻ. Con hãy luôn giữ thói quen này nhé.
Cậu bé gật đầu, đôi mắt ánh lên niềm vui.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/day-tre-biet-chao-408021.html