Dạy trẻ kĩ năng thoát khỏi đám cháy
Trẻ em là đối tượng dễ bị thương và tử vong trong các đám cháy do không hiểu biết về các kỹ năng thoát hiểm. Vì vậy, việc trang bị cho trẻ các kỹ năng để thoát nạn trong trường hợp xảy ra cháy nổ là hết sức cần thiết.
Vụ việc cháy chung cư mini ở Thanh Xuân (Hà Nội) đang khiến dư luận xót xa vì con số thương vong quá thảm khốc. Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội có 29 học sinh là nạn nhân trong vụ cháy, trong đó 13 học sinh không may thiệt mạng.
Việc trang bị kỹ năng thoát hiểm đối với mỗi người, nhất là với trẻ em là điều hết sức cần thiết. Trong tình huống khẩn cấp, trẻ có thể sử dụng các kĩ năng đã được học để giải cứu cho bản thân và những người trong gia đình.
Kỹ năng 1: Khi phát hiện, ngửi thấy mùi lửa, khói bốc lên thì hãy gọi ngay cho lực lượng chức năng để giúp đỡ với số điện thoại 114. Nếu như bị kẹt trong đám cháy, các em phải thật bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của người lớn.
Kỹ năng 2: Hướng dẫn cho trẻ nắm rõ các lối thoát hiểm trong nhà như: cửa trước, cửa sau, lối thông sang nhà bên cạnh. Hoặc nếu nhà cao tầng thì chỉ cho bé thoát hiểm bằng cầu thang bộ. Tuyệt đối không đi bằng cầu thang máy.
Kỹ năng 3: Cần dạy trẻ quan sát vị trí các biến báo thoát hiểm dạ quang, biển báo PCCC dạ quang để thoát ra ngoài nhanh nhất. Trong một số trường hợp, cần phải kêu lên thật lớn để mọi người biết đến trợ giúp.
Kỹ năng 4: Các trường hợp tử vong chủ yếu là do hít phải khí độc nên người lớn cần hướng dẫn cho trẻ dùng khăn ướt để bịt mũi và cúi sát người xuống sàn nhà khi thoát nạn. Khi di chuyển, trẻ cần lấy khăn ướt, bịt vào mũi để tránh khí độc nhiễm vào có thể gây ngạt thở. Trẻ phải cúi thấp người xuống càng tốt vì càng sát đất thì khói và khí độc càng ít hơn.
Kỹ năng 5: Người lớn cũng nên dạy cho trẻ cách sử dụng bình chữa cháy để dập tắt những đám cháy nhỏ, kiểm soát được hành vi, nhận thức của mình khi xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên, không dạy trẻ hắt nước vào đám cháy vì có thể ảnh hưởng đến thiết bị điện ảnh hưởng đến quá trình cứu hộ, cứu nạn.
Kỹ năng 6: Trong trường hợp ở chung cư, khi khói đã che khủ hết không tìm được lối ra, hãy quay về chung cư của mình nếu mang được điện thoại trên người thì càng tốt để nhanh chóng gọi cho 114, thông báo đang ở phòng số mấy, ra ngoài ban công, cửa sổ dùng một vật gì đó dễ phát hiện và la lớn lên để mọi người biết vị trí của mình.
Kỹ năng 7: Để tăng khả năng sống sót trong trường hợp cháy nổ, đông người, hỗn loạn; các bậc phụ huynh nên dạy trẻ không chạy ngược dòng đám đông hoặc chèn ngang vì khả năng bị kẹt, dẫm đạp lên nhau dẫn đến trường hợp bị ngạt thở và tử vong. Trong trường hợp này, thay vì hùa theo đám đông, thì các con cần bình tĩnh tinh mắt, quan sát vị trí các biển báo exit dạ quang, bình PCCC để tìm ra lối thoát hiểm nhanh chóng nhất. Các con không được chần chừ, cố ở lại để giữ đồ dùng của mình vì đám cháy lớn rất nhanh, đe dọa tính mạng.
(Nguồn: ĐH Phòng cháy chữa cháy)
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường chú trọng cung cấp cho học sinh kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy
Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn gửi Sở GD&ĐT Hà Nội và các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn TP. Hà Nội về việc rà soát, nắm bắt thông tin về vụ cháy chung cư mini trên địa bàn thành phố và thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong học sinh sinh viên.
Công văn nêu rõ, ngày 12/9/2023, trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đã xảy ra một vụ cháy chung cư mini đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân, trong đó có học sinh, sinh viên.
Trước diễn biến của vụ việc nêu trên, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an, bệnh viện, các cơ tổ chức có liên quan rà soát, kiểm tra, nắm bắt đầy đủ thông tin về tình hình học sinh, sinh viên liên quan đến vụ cháy. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên là nạn nhân trong vụ cháy (nếu có).
Quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục;
Chú trọng việc cung cấp cho học sinh, sinh viên các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn, kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có tại gia đình, nhà trường và khu vực công cộng. Báo cáo Bộ GD&ĐT về tình hình học sinh, sinh viên có liên quan trong vụ cháy trước ngày 20/9/2023.
Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/ki-nang-thoat-khoi-dam-chay-d2902.html