Dạy trẻ tiêu tiền hợp lý
Trẻ em và tiền bạc dường như là những khái niệm không tương đồng.
Nhà văn Colombia Gabriel Garcia Márquez nói: “Tiền là phân của quỷ”. Còn trẻ em, như chúng ta biết, là những bông hoa của cuộc sống. Tuy nhiên, nói vậy nhưng không phải vậy. Tiền đã trở thành một phần văn hóa của chúng ta. Nhiều nước Liên minh châu Âu từ lâu đã có các chương trình đặc biệt dạy học sinh lập kế hoạch ngân sách gia đình và cá nhân, tiêu tiền túi một cách hợp lý.
Hãy mở rộng hầu bao
Tiền túi của trẻ em là một phần không thể thiếu của văn hóa châu Âu. Nó không những là biểu hiện tình cảm của bố mẹ mà còn là một yếu tố giáo dục quan trọng. Theo các nhà xã hội học, phần lớn học sinh tiểu học ở các nước được cha mẹ cho tiền như Anh (84%), Pháp (72%), Đức (57)… 79% phụ huynh của các nước EU coi hình thức động viên con cái này là bắt buộc.
Hóa ra, người Ý và người Pháp là hào phóng nhất. Người Tây Ban Nha đứng ở vị trí thứ ba. Số tiền tối thiểu mà các ông bố, bà mẹ cho các con từ 5 - 15 tuổi ở các quốc gia này trung bình từ 10 - 20 euro/tuần (khoảng 250 nghìn - 500 nghìn đồng). Thanh thiếu niên trên 15 tuổi nhận được tới 50 euro/tuần.
Theo các nhà xã hội học ở nhà xuất bản Egmont Ehapa Verlag của Đức, sức mua của học sinh Đức trong độ tuổi từ 6 - 13 là 5 tỷ euro mỗi năm. Đây là một con số kỷ lục. Trẻ em Đức độc lập trong chi tiêu. Đồng thời, các em biết chính xác phải tiêu tiền vào việc gì.
Vậy một học sinh Đức nhận được bao nhiêu tiền của bố mẹ? Theo thăm dò dư luận của các nhà xã hội học, khoảng 330 euro mỗi năm (hơn 8,4 triệu đồng). Tức là 27,5 euro mỗi tháng. Ngoài ra, hầu như tất cả học sinh Đức đều có tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng của mình. Cộng với tiền mừng nhân dịp lễ Giáng sinh và sinh nhật của ông bà tặng khoảng 150 euro.
Ở Đức có những quy chế riêng về việc bố mẹ cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống ít nhất 50 cent mỗi tuần. Trẻ em dưới 7 tuổi: Ít nhất 1,5 euro, và trẻ em 10 tuổi: 10 - 15 euro/tuần.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, 86% trẻ em Đức từ 6 - 13 tuổi bắt buộc tham gia vào việc lập kế hoạch ngân sách gia đình, nghỉ hè, nghỉ Giáng sinh, chiến lược mua sắm và thảo luận về quà tặng cho người thân. Cả người lớn và trẻ em đều là những “nhà chiến lược tiếp thị” bình đẳng. Nhiều thanh thiếu niên Đức kiếm tiền bằng việc quét sân, lau dọn cổng, cắt cỏ, dắt chó nhà hàng xóm đi dạo... Thêm 20 euro một tuần cũng không phải là số tiền ít ỏi.
Ở Đức phổ biến cái gọi là chợ trời. Trẻ em và thanh thiếu niên bán sách giáo khoa đã sử dụng, sách cũ, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ chơi, dụng cụ văn phòng ở gần nhà thờ hoặc trong sân trường... Số tiền thu được các em cho vào con heo đất của mình.
Lời khuyên của Motoko Hani
Cũng như người Đức, người Nhật cùng nhau thảo luận về ngân sách gia đình. Có một thuật ngữ đặc biệt xuất hiện trong tiếng Nhật 100 năm trước là “kakebo” - (Sổ tiết kiệm gia đình).
Kakebo được phát minh bởi nhà nữ quyền Nhật Bản Motoko Hani. Bà được coi là biểu tượng của chủ nghĩa hiện đại ở Nhật. Trên tạp chí “Friend of Women”, Motoko Hani kêu gọi phụ nữ ghi chép cẩn thận các khoản thu, chi của mình, kiểm soát và dự báo ngân sách gia đình. Ý tưởng này được phổ cập đến mức nó đã trở thành lối sống của mọi gia đình Nhật Bản.
Kakebo là một kiểu nhật ký tài chính dành cho các gia đình có mức thu nhập khác nhau, ghi chép tỉ mỉ về ngân sách gia đình để mọi người có cách chi tiêu tiền hợp lý.
Có kakebo cho học sinh tiểu học, sinh viên, gia đình trẻ, gia đình đông con, bà mẹ đơn thân... Bắt đầu tiết kiệm từ đâu? Tạo ra khoản tiết kiệm đầu tiên như thế nào? Hạn chế cái gì? Phân loại chi tiêu theo nguyên tắc nào? Bỏ các thói quen xấu và các chi phí liên quan ra sao? Làm thế nào tự hạn chế những gì bạn cảm thấy quan trọng? Kakebo trả lời hàng trăm câu hỏi cụ thể.
Người Nhật được dạy về tiết kiệm ở trường phổ thông. Học sinh ghi các khoản thu, chi vào các cuốn sổ riêng. Một nguyên tắc quan trọng mà người Nhật được giáo dục từ nhỏ là không vay tiền. Chính xác hơn là cố gắng tránh điều đó và chỉ vay mượn trong trường hợp hết sức cần thiết. Hãy sống bằng khả năng của bạn! Đây không chỉ là nguyên tắc tài chính thuần túy mà là tính cách dân tộc của người Nhật. Các số liệu thống kê trên thế giới cho thấy người Nhật hầu như không vay vốn ngân hàng.
Tiền là giác quan thứ sáu…
Ở Anh, trẻ em không được nuông chiều bằng tiền bạc. Nguyên tắc bất di bất dịch của các bậc cha mẹ người Anh là cần phải tự kiếm tiền. 65% trẻ em từ 8 - 15 tuổi chỉ được nhận tiền khi hoàn thành việc nhà: Rửa bát, sắp xếp trật tự trong phòng ngủ của mình, là quần áo, đi mua thực phẩm... Mỗi gia đình thanh toán cho làm việc nhà của con theo một kiểu. Trung bình, nếu cố gắng làm việc cả tuần, con cái sẽ nhận được 20 bảng Anh (khoảng 600 nghìn đồng).
Ở Hungary, các bậc cha mẹ khá hà tiện trong việc cho con tiền. Điều này cũng dễ hiểu khi đất nước này vốn không giàu có. Ở đây người ta dạy học sinh tiết kiệm trên các tiết học nữ công gia chánh. Chỉ những thanh thiếu niên mới được cho tiền, nhưng không nhiều, trung bình 3000 forint/tuần (khoảng 200 nghìn đồng).
Ở Thụy Điển, tiền tiêu vặt cho trẻ em được đưa vào ngân sách nhà nước. Trẻ em dưới 16 tuổi được nhà nước cấp hơn 1000 krona/tháng (gần 2,7 triệu đồng), tuy nhiên, không phải cho bản thân học sinh, mà là cha mẹ của các em. Sau đó cha mẹ có nghĩa vụ trích một ít cho các con tiêu vặt. Trẻ em 6 - 7 tuổi nhận được từ 20 - 45 krona (68 - 135 nghìn đồng)/tuần. Những em lớn hơn được nhiều gấp đôi.
Trẻ em Thụy Điển rất tháo vát và được bố mẹ khuyến khích tinh thần kinh doanh. Trong gia đình có quy định: Nếu con tiết kiệm được, chẳng hạn 200 krona, bố mẹ sẽ cho thêm một số tiền tương đương. Áo khoác đã chật nhưng vẫn còn tốt, các em có thể bán cho bạn hoặc thông qua đấu giá trên Internet, còn tiền giữ cho mình.
Luật pháp Thụy Điển cho phép thanh thiếu niên từ 15 tuổi bắt đầu làm kinh doanh. Hơn nữa, doanh nhân trẻ vừa khởi nghiệp được nhà nước tư vấn tài chính và pháp lý miễn phí, chỉ nộp một khoản thuế danh nghĩa vào kho bạc thành phố.
Các bậc cha mẹ Pháp hào phóng, nhưng nghiêm khắc. Trẻ em phạm khuyết điểm thường bị phạt. Bị điểm kém ở trường, thô lỗ với người thân của mình, không giúp làm việc nhà sẽ bị trừ 5 euro tiền tiêu vặt.
Có rất nhiều câu cách ngôn chí lý về tiền bạc, nhưng câu của nhà văn Anh Somerset Maugham bao quát được các thái cực: “Tiền là giác quan thứ sáu, thiếu nó năm giác quan kia không trọn vẹn”. Thiết tưởng, không có gì chính xác hơn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/day-tre-tieu-tien-hop-ly-X0wfLc2ng.html