Dạy trực tuyến SGK mới: Chất lượng phụ thuộc giáo viên
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 2, lớp 6. Các trường học ở địa phương có dịch đang lo lắng vì có thể sẽ phải dạy học trực tuyến với nhiều khó khăn; chất lượng phụ thuộc vào sự chủ động của giáo viên.
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện chương trình, SGK mới từ lớp 2, lớp 6, nên việc dạy và học trực tuyến sẽ gặp khó khăn
Bà Nguyễn Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Thành (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), nói rằng, giáo viên đã được tập huấn SGK mới bằng phương thức trực tuyến;đáng ra, theo kế hoạch, trường sẽ tổ chức dạy mẫu để giáo viên rút kinh nghiệm, góp ý cho nhau. Tuy nhiên, thời điểm này do giãn cách xã hội, giáo viên chưa thể đến trường nên tiếp tục nghiên cứu SGK, soạn giáo án. Không được dạy thực nghiệm, trong quá trình dạy học, các tổ chuyên môn sẽ vừa dạy vừa rút kinh nghiệm.
“Tùy tình hình thực tế và hướng dẫn của Sở GD&ĐT mà triển khai kế hoạch năm học.Tuy nhiên, trường vẫn phải lên phương án dạy học trực tuyến. Chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc hỗ trợ của phụ huynh”, bà Tuyến nói.
Bà Phan Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội), cho biết, giáo viên đã hoàn thành tập huấn SGK mới lớp 2. Nhà trường đang giao giáo viên chuẩn bị giáo án, nghiên cứu kỹ tài liệu liên quan. Với tình hình dịch như hiện nay, giáo viên được yêu cầu lên phương án cho dạy học trực tuyến.
Thầy cô đã có 2 năm kinh nghiệm dạy trực tuyến và nhà trường mua phần mềm để đảm bảo không bị trục trặc và bảo mật. Tuy nhiên, đa số học sinh là con em công nhân, nên phải thiết kế giờ học vào buổi tối, trong khi thiết bị, đường truyền chưa đảm bảo. Có gia đình 2-3 con học cùng lúc nên rất khó khăn.
Bà Thu cho rằng, yếu tố thành bại của chương trình, SGK mới là giáo viên phải thật sự tâm huyết, sáng tạo về phương pháp và có sự bứt phá để đạt đích cuối cùng. Nếu được học trực tiếp, cô trò sẽ có các giờ học sinh động, hiệu quả. Ngược lại, học trực tuyến sẽ khó khăn, nhất là không thể bố trí được 7 tiết/ngày theo chương trình học sinh học 2 buổi/ngày như những năm trước.
“Do đó, nếu học trực tuyến, ngoài các giờ lên lớp, giáo viên sẽ phải nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau như bổ túc thêm buổi cho nhóm học sinh yếu kém, gửi thêm bài trắc nghiệm để kiểm tra xem học sinh nắm đến đâu… Nói chung, khó khăn ở phía trước sẽ rất nhiều”, bà nói.
Khó khăn cho học sinh đầu cấp
Nhiều hiệu trưởng trường THCS nói rằng, nếu học trực tuyến sẽ có nhiều khó khăn, nhưng nhà trường buộc phải chủ động để giảm sự bỡ ngỡ cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), bà Đặng Thị Thu Hà, nói rằng, những năm trước, học sinh có khoảng 2 tuần trước khai giảng để làm quen nề nếp, giới thiệu các môn học. Năm nay không thực hiện được nội dung đó, lại vừa thay SGK nên sẽ có nhiều khó khăn, nhất là với học sinh đầu cấp, chưa quen với giáo viên mới. Để học sinh chủ động, trường đang phát SGK để các em tiếp cận dần dần.
“Xác định năm đầu tiên thực hiện chương trình, SGK mới từ lớp 6 sẽ còn nhiều bỡ ngỡ nên trường phân công giáo viên cứng, đúng chuyên môn đảm nhận các môn học. Một vấn đề nữa, khi dạy học trực tuyến, các hoạt động trải nghiệm cũng khó thực hiện trọn vẹn”, bà Hà nói.
Các địa phương đã ráo riết lên kế hoạch, sẵn sàng cho năm học mới. Do dịch bệnh bùng phát nhiều nơi, nên đa số giáo viên chỉ được tập huấn SGK mới qua mạng. Ở những vùng khó khăn, mạng phập phù, âm thanh tậm tịt, giáo viên tiếp cận khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết, địa phương dự kiến ngày 1/9 sẽ cho học sinh quay lại trường học trực tiếp; nếu dịch COVID-19 bùng phát, sẽ phải học trực tuyến. “Có những địa bàn miền núi khó khăn, không đủ thiết bị, đường truyền không đảm bảo nên dạy trực tuyến không đạt chất lượng. Trường hợp bất đắc dĩ, các trường vẫn phải nỗ lực thực hiện và có kế hoạch dạy bù khi học sinh được tới trường”, bà Hương nói.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng năm đầu tiên 2020-2021 từ lớp 1. Năm nay, bắt đầu áp dụng cho học sinh lớp 2, lớp 6; năm học tới cho học sinh lớp 3, lớp 7…
Ngày 10/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định cho học sinh lớp 1 tựu trường ngày 23/9; các cấp khai giảng ngày 5/9.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho biết, các trường được chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, SGK, đội ngũ để triển khai, trong đó giáo viên dạy lớp 6 phải là người có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn. “Đội ngũ là yếu tố quan trọng để thực hiện SGK mới. Do đó, sau khi tập huấn trực tuyến, Sở GD&ĐT yêu cầu từng trường phải nghiên cứu SGK, sinh hoạt tổ chuyên môn, trao đổi bài dạy, từ đó có khó khăn, vướng mắc thì kiến nghị để Sở có hướng dẫn, tập huấn thêm”, ông nói.