Dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường: Chìa khóa để thành công

PTĐT - Bám sát Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; Đề án 'Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020' ...

Kỳ I: Hiệu ứng tích cực từ chương trình dạy ngoại ngữ 10 năm

Cô giáo Hà Ánh Phượng- Trường THPT Hương Cần (ở giữa) trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp trước giờ ghi hình dạy học trên truyền hình. Thông qua các lớp học online, học sinh sẽ được rèn luyện phát triển toàn diện cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh.

Cô giáo Hà Ánh Phượng- Trường THPT Hương Cần (ở giữa) trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp trước giờ ghi hình dạy học trên truyền hình. Thông qua các lớp học online, học sinh sẽ được rèn luyện phát triển toàn diện cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh.

PTĐT - Bám sát Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, đặc biệt là môn ngoại ngữ (tiếng Anh) ở tất cả các cấp học, bậc học, tạo hiệu ứng tích cực giáo dục ngoại ngữ của tỉnh.

Ngay sau khi Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020” của Thủ tướng Chính phủ được thực thi, tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2020, trong đó xác định tiếng Anh là môn ngoại ngữ chủ đạo trong các nhà trường. Bám sát mục tiêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tăng cường chỉ đạo các trường học trong toàn tỉnh triển khai ngay việc giảng dạy chương trình tiếng Anh 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 để bảo đảm tính liên thông toàn cấp học.

Mặc dù ở huyện miền núi Thanh Sơn song 2 năm trở lại đây, thông qua internet học sinh Trường THPT Hương Cần có thể giao tiếp, trò chuyện với học sinh nước ngoài trong môi trường học tập xuyên biên giới bằng ngôn ngữ tiếng Anh thông qua ứng dụng Zoom và Skype dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của cô giáo Hà Ánh Phượng. Đây là một thành công lớn không chỉ đến từ “người truyền lửa” là cô Phượng- người được tổ chức Varkey (Varkey Foundation) vinh danh tốp 10 giáo viên toàn cầu mà còn là kết quả tất yếu của chương trình tiếng Anh 10 năm và sự đổi mới của phương pháp giảng dạy. Em Nguyễn Hạ Quyên, học sinh lớp 10A2, Trường THPT Hương Cần chia sẻ: Học chương trình tiếng Anh mới, em được rèn luyện phát triển toàn diện cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết; được cô giáo hướng dẫn giao lưu với các thầy, cô giáo cùng các bạn học sinh nước ngoài, không chỉ giúp mở mang kiến thức về văn hóa mà còn được bổ sung thêm vốn từ vựng, ngữ pháp nên em và các bạn thêm say mê môn ngoại ngữ.
Đến nay, Trường THPT Hương Cần đã đưa chương trình tiếng Anh mới vào dạy ở cả 3 khối: 10, 11, 12. Mặc dù có đông học sinh là người dân tộc thiểu số song với nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, những năm qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích: Kỹ năng nghe, nói được thể hiện rõ nét qua bài kiểm tra; 100% học sinh Trường THPT Hương Cần trong 2 năm gần đây đỗ tốt nghiệp THPT; điểm trung bình môn tiếng Anh năm sau cao hơn năm trước; dự án quốc tế “nói không với ống hút nhựa” được học sinh nhà trường tuyên truyền, kết nối với 46 quốc gia qua skype với mong muốn lan tỏa việc hạn chế sử dụng ống hút nhựa; dự án phòng chống bạo lực trên không gian mạng giúp học sinh có những trải nghiệm theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới; hơn 245 học sinh tham gia câu lạc bộ tiếng Anh đều đặn kết nối với trường học nước ngoài.

Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh.

Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh.

Tương tự, những năm gần đây môn ngoại ngữ của Trường THPT Long Châu Sa, huyện Lâm Thao cũng có nhiều khởi sắc. Điểm thi khối D tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của trường đứng thứ 2 toàn tỉnh (chỉ xếp sau Trường THPT Chuyên Hùng Vương). Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh, Trường THPT Long Châu Sa chia sẻ: Chúng tôi luôn xác định tiếng Anh là môn học khó, khó cả ở chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Thế nhưng, sau khi nhà trường thực hiện chương trình dạy học tiếng Anh mới theo đề án của Bộ GD&ĐT, chất lượng dạy và học môn học này đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Không chỉ học sinh, phụ huynh học sinh quan tâm đến việc học tiếng Anh mà bản thân mỗi giáo viên cũng không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả tốt nhất. Trước đây việc dạy học chỉ chú trọng về ngữ pháp và viết, nhưng nay kỹ năng giao tiếp, sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp được tăng cường nên tỷ lệ học sinh bảo đảm tốt 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đã tăng vượt chỉ tiêu đề ra. Thầy giáo Quách Thành Đô, Hiệu trưởng Trường THPT Long Châu Sa cho biết: Ngay khi triển khai đưa chương trình tiếng Anh mới vào giảng dạy, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thường xuyên cử đội ngũ giáo viên đi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, từ đó đổi mới phương pháp giảng dạy, soạn thảo giáo án, bài giảng, đáp ứng được các yêu cầu của chương trình. Hơn nữa, bản thân các thầy cô cũng phải tham gia các kỳ thi để có chứng chỉ C1 đáp ứng yêu cầu công tác giảng dạy. Đến nay, Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ở tất cả các cấp học trong toàn tỉnh. Ông Đỗ Thanh- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Việc thực hiện chương trình tiếng Anh 10 năm đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, ở cấp tiểu học 100% học sinh các khối lớp 3, 4, 5 được học 4 tiết/tuần, cấp THCS 3 tiết/tuần, cấp THPT 3 tiết/tuần. Bên cạnh đó, việc triển khai dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài cũng được các nhà trường chú trọng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng nghe - nói, phát âm chuẩn cho học sinh. Nhiều sân chơi tiếng Anh được tổ chức hiệu quả cho học sinh, qua đó phát huy khả năng giao tiếp, nghe, nói bằng tiếng Anh của học sinh.Năm học 2019-2020, trong kỳ thi TOEFL Junior dành cho bậc THCS, học sinh của tỉnh Phú Thọ đạt điểm trung bình là 790, trong đó em cao nhất đạt 895 điểm; em thấp nhất 620 điểm. Trong kỳ thi CEFR, có 19 học sinh đạt bậc 4 (B2); 30 học sinh đạt bậc 3 (B1); 18 học sinh đạt bậc 2 (A2) và 01 học sinh lớp 6 THCS đạt bậc 1 (A1). Bài thi TOEFL ITP cho học sinh THPT dùng để ưu tiên miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT Quốc gia và ưu tiên xét tuyển đại học, toàn tỉnh có 6 em đạt bậc 3 trở lên, đủ điều kiện đăng ký dùng kết quả thay thế bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh và đăng ký điểm xét tuyển ở một số trường đại học. Từ những kết quả trên cho thấy hiệu ứng tích cực của chương trình tiếng Anh mới chính là phong trào dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, không chỉ tập trung ở thành phố, thị trấn mà còn lan rộng ra các khu vực nông thôn. Phong trào đã tạo động lực, quyết tâm trong học tiếng Anh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp GD&ĐT.

Kỳ II: Còn đó những khó khăn, thách thức

Mai Phương - Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202103/day-va-hoc-ngoai-ngu-trong-nha-truongchia-khoa-de-thanh-cong-175731