ĐB Nguyễn Tri Thức lo bỏ giấy chuyển tuyến bệnh viện ở Trung ương sẽ 'vỡ trận'

Theo đại biểu Nguyễn Tri Thức, bỏ giấy chuyển tuyến rất nguy hiểm vì giấy chuyển tuyến là tóm tắt bệnh án, rất có giá trị cho chẩn đoán ở cấp chuyên sâu

Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

ĐB Nguyễn Tri Thức (TP.HCM), Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ý kiến, trước đây bệnh viện chia làm 4 tuyến là xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Luật mới quy định 3 cấp: cấp ban đầu (tạm hiểu là trạm y tế xã), cấp cơ bản (bệnh viện huyện và một số bệnh viện tỉnh), cấp chuyên sâu (bệnh viện Trung ương, đa khoa chuyên sâu và một số bệnh viện tỉnh đủ dịch vụ kỹ thuật được công nhận).

“Hiện đang có hướng xóa bỏ địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT. Đó là chủ trương rất tốt, rất đúng. Trước đây, nếu đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội thì chỉ được khám ở Hà Nội, giả sử mắc bệnh ở Thanh Hóa mà khám ở Hà Nội là xem như trái tuyến. Điều này rất bất hợp lý, không bảo đảm quyền lợi cho người bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nói.

Về ý kiến của một số ĐBQH đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong khám chữa bệnh BHYT, ĐB Nguyễn Tri Thức cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trong trường hợp khám cấp ban đầu, cấp cơ bản. Còn từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến.

“Mình cứ nghĩ giấy chuyển tuyến phiền phức nhưng nó rất cần thiết trong ngành y. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng lên bệnh viện tuyến chuyên sâu như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức…”, ĐB Thức nói.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nói nếu bỏ giấy chuyển tuyến như một số ý kiến ĐBQH thì bệnh viện ở Trung ương sẽ "vỡ trận". Ảnh: QH

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nói nếu bỏ giấy chuyển tuyến như một số ý kiến ĐBQH thì bệnh viện ở Trung ương sẽ "vỡ trận". Ảnh: QH

Theo ông, nếu làm như vậy thì hệ thống y tế cơ sở chỉ 1-2 năm là bị triệt tiêu và chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở không thực hiện được. Trong khi đó, COVID-19 đã cho thấy hệ thống y tế cơ sở có vai trò quan trọng.

“Bỏ giấy chuyển tuyến rất nguy hiểm”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói và khẳng định giấy chuyển tuyến có vai trò rất quan trọng, là tóm tắt bệnh án, rất có giá trị cho chẩn đoán ở cấp chuyên sâu.

Bỏ giấy chuyển tuyến, theo ĐB Nguyễn Tri Thức, cũng ảnh hưởng đến các bác sĩ giỏi ở trung ương. Mỗi ngày các bác sĩ chỉ có thể mổ một ca đặc biệt, kéo dài 6-8 tiếng. Các bệnh viện thường khống chế, không cho mổ ca thứ hai vì nguy cơ tai biến cao.

Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân ùn ùn đổ về tuyến chuyên sâu, với áp lực bệnh nhân như vậy thì một bác sĩ không thể mổ 1 ngày/ca được. Các ca phẫu thuật loại 1, 2,3 cũng vậy.

Trước đây, 1 bác sĩ mỗi ngày khám khoảng 20 bệnh nhân, giờ khoảng 200 bệnh nhân ngồi chờ thì không bác sĩ nào khám nổi. Lúc đó sẽ vỡ trận.

“Hai hậu quả trước mắt là triệt tiêu y tế cơ sở và vỡ trận ở y tế chuyên sâu. Đó là điều chắc chắn ai cũng thấy” - ĐB Nguyễn Tri Thức nói.

ĐB Nguyễn Tri Thức cũng đề cập đến khó khăn trước đây trong BHYT là do các bệnh viện bị khống chế bảo hiểm.

“Bảo hiểm giao cho bệnh viện đó một cục tiền, khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, bệnh viện tuyến trên xài bao nhiêu tiền thì tuyến chuyển phải chịu, giống như tiền của mình mà người khác xài, mình không kiểm soát được. Các bệnh viện ngại không chuyển là vì vậy.

Nhưng hiện nay đã bỏ quy định này nên các bệnh viện rất thông thoáng, dễ dàng trong chuyển tuyến. Không có gì khó khăn cả, cũng không ảnh hưởng gì đến bệnh nhân mà chỉ đem lại lợi ích” - ĐB Nguyễn Tri Thức thông tin thêm.

Xem lại chính sách BHYT cho người cao tuổi

ĐB Trương Xuân Cừ (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn đối với chính sách cho người cao tuổi (NCT).

Ông Cừ cho biết, các báo cáo của năm 2021, 2022 cho thấy hiện có 5% NCT chưa có BHYT, tức là khoảng 500 ngàn người, nhưng cho đến ngày 21-8-2024 thì số liệu này đã tăng lên 2,6 triệu người NCT chưa có BHYT.

“Con số này khiến các cơ quan quản lý, hội người cao tuổi hết sức giật mình” - ông Cừ nói.

Theo ông Cừ, người Việt Nam tuổi thọ cao nhưng sức khỏe tuổi già yếu. Nếu không có BHYT thì gánh nặng trong cuộc sống của cá nhân, gia đình hết sức khó khăn.

“Tôi đề xuất người đủ từ 70 tuổi trở lên là được hưởng BHYT, người cao tuổi trong hộ cận nghèo nên từ 65 tuổi được hưởng BHYT.

Vì qua các số liệu thống kê, NCT Việt Nam từ 60 tuổi trở lên thì 95% có bệnh. Từ 60 đến 80 tuổi có 3 bệnh nền, 80 tuổi trở lên có 6 bệnh nền. Nếu không có BHYT sẽ rất khó khăn” - ông Cừ đề xuất. Đồng thời cho biết Việt Nam hiện nay có 17 triệu NCT thì 5,7 triệu người có lương hưu trợ cấp, còn lại vẫn phải lao động kiếm sống.

Dẫn chứng thêm về một nghịch lý khi năm 2014 tổng kết công tác y tế ở khu vực miền núi phía Bắc, số liệu tại hội nghị cho thấy đại đa số các tỉnh miền núi đều kết dư BHYT, vì dịch vụ y tế khu vực chưa phát triển, người dân không tích cực tham gia BHYT.

“Kiến nghị Quốc hội xem xét lại về chính sách BHYT cho NCT” - ông Cừ nêu.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/db-nguyen-tri-thuc-lo-bo-giay-chuyen-tuyen-benh-vien-o-trung-uong-se-vo-tran-post816499.html