ĐB Phạm Khánh Phong Lan: Thanh tra mà 'rầm rộ' thì không còn yếu tố 'bất ngờ'
Ngày 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo luật, song đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cho rằng dự thảo luật đang tập trung nhiều vào các quy định về phòng chống lạm quyền, tiêu cực của cơ quan thanh tra, mà thiếu các quy định để tăng quyền hạn, làm cho cơ quan thanh tra mạnh hơn để phát huy hiệu quả công tác trên thực tiễn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại hội trường sáng nay 22-5. Ảnh: Phạm Thắng
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, nếu so sánh với lực lượng thanh tra một số nước trên thế giới, thì họ có quyền hạn rất lớn, nhưng đi kèm với đó là những lo ngại về lạm quyền. Tuy nhiên, vị đại biểu nhấn mạnh khi trao quyền, sẽ có cơ chế kiểm soát, nhưng ngay trong dự thảo luật này, thanh tra đã bị "trói tay, trói chân".
Vị đại biểu đoàn TP HCM cũng nhấn mạnh, dự thảo luật chưa có các quy định thông thoáng cho hoạt động thanh tra đột xuất, mà chủ yếu tập trung vào thanh tra theo kế hoạch. Trong khi bà đánh giá, thanh tra theo kế hoạch hầu như không có hiệu nhiều khi phải công khai kế hoạch từ đầu năm, được cấp trên duyệt.
Thậm chí, trước khi thực hiện thanh tra, phải thông báo cho các cơ quan, đơn vị thuộc diện thanh tra; yêu cầu họ chuẩn bị các nội dung để thanh tra. Theo bà Lan, như vậy sẽ hạn chế đi yếu tố bất ngờ trong hoạt động thanh tra.
Từ kinh nghiệm thực tế, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết vừa qua lãnh đạo Chính phủ yêu cầu triển khai đợt cao điểm truy quét hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, nhưng khi lực lượng thanh tra đi kiểm tra, các nhà thuốc để đã "giấu" hết hàng và trả lời không bán thực phẩm chức năng. "Nếu thanh tra theo kế hoạch, tổ chức rầm rộ thì rất khó"- nữ đại biểu nhấn mạnh.
Mặt khác, với hoạt động thanh tra đột xuất hiện nay, cơ quan thanh tra cũng gặp khó khăn vì sau khi thực hiện thanh tra xong, phải giải trình với cấp trên tại sao lại đến thanh tra đơn vị đó. "Như vậy là trói tay, trói chân rất nhiều"- đại biểu Lan băn khoăn.
Một thực tế khác được đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra là nhiều doanh nghiệp khi thanh tra có phát hiện vi phạm, sau đó xử lý vi phạm nhưng họ không chấp hành, bỏ luôn doanh nghiệp đó để thành lập doanh nghiệp mới, trong khi luật hiện hành chưa có các quy định đầy đủ để giải quyết tình trạng này.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) tán thành với việc dự thảo luật thống nhất khái niệm "thanh tra", không phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết dự thảo luật và hệ thống thanh tra sau sắp xếp đã tách bạch hai hoạt động thanh tra và kiểm tra. Theo đó, thanh tra là hoạt động do cơ quan thanh tra chuyên trách thực hiện, còn kiểm tra là chức năng của thủ trưởng cơ quan quản lý chuyên ngành.
Điều 61, dự thảo luật quy định, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong phạm vi quản lý. Song theo bà Hà, dự thảo luật hiện chỉ đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, mà chưa có quy định kiểm soát chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, trong khi đây là vấn đề phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp.
Tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí tuân thủ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị, bổ sung khái niệm "kiểm tra" vào dự thảo luật để làm rõ tính chất, chủ thể, hệ quả pháp lý và trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung tại Điều 61 nguyên tắc phối hợp, tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra; đồng thời giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh vai trò đầu mối điều phối kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý.