ĐBQH. Bùi Hoài Sơn: Gia đình đang bị 'đe dọa' bởi những thách thức mới

Dưới góc nhìn của mình, ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, trong thời đại ngày nay, gia đình phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức mới. Để đảm bảo sự bền vững và phát triển, mỗi thành viên cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình...

Theo ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, để đảm bảo sự bền vững và phát triển của mỗi gia đình, các thành viên cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình. (Nguồn: Quochoi)

Theo ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, để đảm bảo sự bền vững và phát triển của mỗi gia đình, các thành viên cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình. (Nguồn: Quochoi)

Gia đình đối mặt với những thách thức mới

Có một thực trạng đáng buồn là văn hóa gia đình đang có những vấn đề rất đáng báo động, đang đi ngược lại với xu thế văn minh, tiến bộ. Góc nhìn của ông về câu chuyện này thế nào?

Thực ra, mỗi thời đại có một khuôn mẫu gia đình phù hợp. Sự thay đổi của gia đình phản ánh một phần sự thay đổi của xã hội, dưới tác động của kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… Vì thế, việc đòi hỏi văn hóa gia đình hiện nay phải giống hệt trước kia là điều khó.

Đúng là, những mong ước về một gia đình hạnh phúc, ở đó có tình yêu thương, dành thời gian chia sẻ, gắn bó bền chặt với nhau đang dần hiếm hoi hơn ở các gia đình hiện đại. Sợi dây liên kết trong gia đình lỏng lẻo hơn. Chức năng giáo dục trong gia đình thông qua tấm gương, bằng những gia quy, gia giáo, gia pháp, hay những thực hành nghi lễ để định hướng xây dựng giá trị đạo đức không còn được thực hành nghiêm cẩn như trước kia.

Nhiều chức năng của gia đình giờ đây giao phó cho xã hội, nhà trường… khiến vai trò điểm tựa vững chắc của gia đình trở nên mong manh. Điều đáng bàn, khi gia đình không đảm nhiệm tốt vai trò xây dựng nhân cách, đạo đức, định hướng sống của mình sẽ khiến đạo đức, văn hóa xã hội xuống cấp.

Gia đình thời hiện đại tiện nghi hơn, đầy đủ hơn nhưng cũng kém bền vững hơn, dễ xung đột hơn, cách xa nhau hơn. Vậy trách nhiệm của mỗi người thế nào, thưa ông?

Trong thời đại ngày nay, gia đình phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức mới. Để đảm bảo sự bền vững và phát triển, mỗi thành viên cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc giáo dục văn hóa gia đình. Điều này không chỉ giúp xây dựng một môi trường gia đình hạnh phúc, mà còn góp phần vào sự phát triển lành mạnh của xã hội. Trong đó, cha mẹ đóng vai trò chủ chốt trong việc giáo dục và định hình giá trị văn hóa cho con cái. Cha mẹ hãy làm gương tốt trong hành vi, lối sống và cách ứng xử.

Đồng thời, bảo đảm con cái nhận được sự giáo dục không chỉ từ trường học mà còn từ gia đình, trong đó bao gồm cả giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và nhận thức về các giá trị truyền thống. Lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn, áp lực mà con cái đang phải đối mặt, từ đó cung cấp sự hỗ trợ kịp thời và phù hợp và dành thời gian cho gia đình, tạo ra không gian giao tiếp, chia sẻ giữa các thành viên.

Bên cạnh đó, con cái cũng có trách nhiệm trong việc duy trì và phát triển văn hóa gia đình, bằng cách kính trọng cha mẹ và yêu thương các thành viên trong gia đình. Tiếp thu những giá trị tốt đẹp từ cha mẹ, biết học hỏi và tự rèn luyện bản thân cũng như chủ động chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và khó khăn của mình với cha mẹ cũng là cách để con cái góp phần vào việc xây dựng không khí gia đình đầm ấm.

Các thành viên trong gia đình nên chủ động hỗ trợ và tôn trọng ý kiến, cảm xúc của nhau; cùng nhau giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của gia đình, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị ấy.

Theo ông, cần làm gì để nâng cao chất lượng văn hóa trong bối cảnh gia đình Việt Nam đang đứng trước những thách thức, tác động của thời đại số?

Tôi đồng ý rằng, lối sống thực dụng và sự phát triển nhanh chóng của thời đại số đã đặt ra nhiều thách thức đối với văn hóa ứng xử gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên, thông qua việc giáo dục con cái từ nhỏ về tầm quan trọng của gia đình sẽ giúp chúng hiểu rằng, gia đình là nền tảng vững chắc cho sự phát triển cá nhân. Cha mẹ nên kể về các câu chuyện gia đình, truyền đạt những giá trị truyền thống tốt đẹp để con cái hiểu và trân trọng.

Mỗi thành viên trong gia đình nên dành thời gian cho nhau, tạo ra những hoạt động chung như bữa cơm, du lịch, dã ngoại để tăng cường sự gắn kết. Tạo môi trường mở, khuyến khích mọi người trong gia đình chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và ý kiến của mình.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần thiết lập quy định về thời gian sử dụng điện thoại, máy tính bảng, đặc biệt là trong các bữa ăn và thời gian sinh hoạt chung. Tận dụng công nghệ để duy trì liên lạc với các thành viên trong gia đình khi họ ở xa, nhưng cũng cần biết cách giới hạn để không bị phụ thuộc quá mức.

Điều quan trọng, mỗi gia đình hướng tới việc giáo dục con cái về trách nhiệm cá nhân trong chăm sóc gia đình, hỗ trợ lẫn nhau. Dạy con cái về những giá trị đạo đức cơ bản như tôn trọng, yêu thương và chia sẻ. Giúp con cái phát triển kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Hướng dẫn cách giải quyết xung đột một cách xây dựng, tránh làm tổn thương tình cảm giữa các thành viên.

Tiếp theo, tôi nghĩ gia đình nên khuyến khích các thói quen tốt như đọc sách, tập thể dục, tham gia các hoạt động ngoài trời thay vì dành quá nhiều thời gian cho thiết bị điện tử. Tạo môi trường gia đình vui vẻ, không căng thẳng, tránh những xung đột không cần thiết. Ngoài ra, cần có định hướng sử dụng mạng xã hội bằng cách hướng dẫn con cái về cách sử dụng mạng xã hội an toàn, nhận biết thông tin sai lệch và bảo vệ thông tin cá nhân, tận dụng các tài nguyên giáo dục, thông tin hữu ích trên mạng xã hội thay vì chỉ giải trí.

Bữa cơm gia đình giúp kết nối các thành viên trong gia đình. (Nguồn: giadinhvietnam.com)

Bữa cơm gia đình giúp kết nối các thành viên trong gia đình. (Nguồn: giadinhvietnam.com)

Thu hẹp khoảng cách

Khi công nghệ đang “xâm lấn” mối quan hệ gia đình, khiến cho sự kết nối trở nên lỏng lẻo hơn, làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên, thưa ông?

Thật dễ dàng để nhận ra, gia đình đang đối diện với nhiều thách thức mới do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và thay đổi trong lối sống. Những thách thức này bao gồm sự cách biệt trong thế hệ, sự phụ thuộc vào thiết bị điện tử, thiếu giao tiếp trực tiếp và áp lực từ xã hội hiện đại.

Để thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên gia đình trong thời đại số, tôi nghĩ, cần có sự nỗ lực và hợp tác từ tất cả các thành viên. Bằng cách tăng cường giao tiếp, giáo dục công nghệ, giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Đặc biệt, xây dựng thói quen gia đình và giảm áp lực, gia đình có thể duy trì sự gắn kết và tình cảm, giúp mọi người cảm thấy được yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau.

Ông có gợi ý giải pháp gì để chấn hưng văn hóa gia đình trong thời đại số, để mọi người thấu hiểu và xích lại gần nhau hơn?

Văn hóa gia đình trong thời đại ngày nay đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp do sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và sự phát triển của công nghệ. Có một số vấn đề tồn tại trong văn hóa gia đình như sự phụ thuộc vào thiết bị điện tử và mạng xã hội khiến các thành viên gia đình ít giao tiếp trực tiếp hơn. Công việc bận rộn và lịch trình học tập dày đặc làm giảm thời gian dành cho gia đình.

Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa thế hệ trẻ và người lớn tuổi trong quan điểm sống, cách nhìn nhận về công nghệm các giá trị truyền thống, dẫn đến việc thế hệ trẻ đôi khi không hiểu và tôn trọng đầy đủ những giá trị mà thế hệ trước coi trọng và ngược lại.

Một vấn đề nữa là lối sống thực dụng, ở đó, nhiều thành viên trong gia đình chạy theo các giá trị vật chất, thành công cá nhân có thể làm phai nhạt giá trị tình cảm và sự gắn kết gia đình. Họ ưu tiên công việc và thành công cá nhân có thể dẫn đến sự bỏ bê vai trò và trách nhiệm của mình.

Ngoài ra, những vấn đề đến từ áp lực từ thành công trong học tập, công việc khiến các thành viên gia đình cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, hay việc sử dụng công nghệ quá mức có thể gây nghiện, làm giảm sự kết nối gia đình.

Để chấn hưng văn hóa gia đình, theo tôi, chúng ta cần chú ý đến mấy giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường giao tiếp và kết nối trong gia đình bằng cách quy định thời gian cụ thể dành cho các hoạt động chung như bữa ăn, dã ngoại, hoặc các hoạt động giải trí gia đình; tạo môi trường mở để các thành viên có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và lắng nghe nhau một cách chân thành.

Thứ hai, giáo dục về giá trị và truyền thống gia đình. Cha mẹ nên chia sẻ với con cái về những giá trị truyền thống, lịch sử gia đình để con cái hiểu và trân trọng. Khuyến khích các thế hệ học hỏi lẫn nhau, tôn trọng quan điểm và giá trị của nhau.

Thứ ba, quản lý thời gian sử dụng công nghệ, thông qua việc đặt ra các quy định rõ ràng về thời gian sử dụng điện thoại, máy tính bảng, đặc biệt là trong thời gian sinh hoạt gia đình, cũng như tổ chức các hoạt động không liên quan đến công nghệ như đọc sách, chơi thể thao, tham gia các hoạt động xã hội.

Thứ tư, giảm áp lực và tạo môi trường gia đình lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên đều cảm thấy được hỗ trợ và yêu thương trong gia đình, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn, tạo ra một môi trường gia đình nơi mọi người có thể thư giãn, vui vẻ và giải tỏa căng thẳng.

Thứ năm, phát triển kỹ năng mềm bằng cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và giải quyết xung đột mang tính xây dựng, đồng thời dạy con cái về trách nhiệm đối với gia đình, xã hội và những giá trị đạo đức cơ bản.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dbqh-bui-hoai-son-gia-dinh-dang-bi-de-doa-boi-nhung-thach-thuc-moi-276502.html