ĐBQH: Cần cân nhắc kỹ việc cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào bất động sản, chứng khoán
'Cần cân nhắc kỹ việc cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào bất động sản hoặc chứng khoán, đặc biệt với các tập đoàn lớn như Điện lực, Dầu khí, bởi một số doanh nghiệp đã đầu tư ngoài ngành, gây rủi ro'…
Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 13-5 về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tán thành Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đại biểu, dự thảo Luật đã quy định rõ đối tượng áp dụng, bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trên 50% vốn, hoặc dưới 50% vốn, thể hiện tinh thần quản lý chặt chẽ vốn nhà nước tại mọi loại hình doanh nghiệp.
Về đối tượng áp dụng, đại biểu cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, dù là 100%, trên 50%, hay dưới 50%. Ví dụ, với doanh nghiệp có 49% vốn nhà nước, vai trò quản lý và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu cần được quy định cụ thể để đảm bảo minh bạch và hiệu quả.
Về nguyên tắc quản lý vốn nhà nước, theo đại biểu, không nên xem vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn pháp nhân của doanh nghiệp. Vốn nhà nước, dù ở tỷ lệ bao nhiêu, vẫn là vốn của nhân dân, cần được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải chịu trách nhiệm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với chủ sở hữu vốn nhà nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu thảo luận
Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với giải trình rằng Nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực tư nhân không làm, như quốc phòng, an ninh, dịch vụ công thiết yếu, an sinh xã hội, hoặc các công trình trọng điểm quốc gia. Ví dụ, các dự án đường cao tốc, quốc lộ, nếu tư nhân không đầu tư do khó khăn giải phóng mặt bằng hoặc hiệu quả kinh tế thấp, Nhà nước cần đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh và huy động vốn tại Điều 20, dự thảo Luật đã phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư theo pháp luật. Tuy nhiên, cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty, đặc biệt trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước không chiếm 100%. Nếu Chủ tịch công ty ở doanh nghiệp có cổ phần chi phối quyết định mọi vấn đề, có thể gây bất lợi cho các thành viên góp vốn khác, làm giảm tính hấp dẫn của xã hội hóa đầu tư.
Do vậy, đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của từng bên để đảm bảo công bằng.
Về hoạt động đầu tư ngoài ngành, đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào bất động sản hoặc chứng khoán, đặc biệt với các tập đoàn lớn như Điện lực, Dầu khí. Một số doanh nghiệp đã đầu tư ngoài ngành, gây rủi ro nên cần quy định cụ thể các lĩnh vực được phép đầu tư ngoài ngành, tránh rủi ro và đảm bảo hiệu quả.
“Về phân phối lợi nhuận sau thuế, tôi cho rằng cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển để tăng vốn điều lệ, thay vì nộp toàn bộ lợi nhuận cho ngân sách nhà nước. Điều này giúp doanh nghiệp có nguồn lực thực hiện các dự án chiến lược, tránh tình trạng nộp ngân sách rồi xin lại vốn. Tôi đề nghị bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để đầu tư phát triển trong các trường hợp đặc thù, như dự án trọng điểm hoặc lĩnh vực tiên phong” - đại biểu nhấn mạnh.