ĐBQH: Cần đầu tư cho báo chí theo hướng đặt hàng bài chất lượng cao
Theo ông Đỗ Chí Nghĩa, việc đầu tư vào các cơ quan báo chí trực tiếp với tinh thần cần 'tinh'chứ không nhất thiết phải 'đông'.
Sáng 7/1, tiếp tục phiên họp bất thường lần 2, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.
Quan tâm tới lĩnh vực báo chí, thông tin trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) hoan nghênh Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho báo chí khi đặt vấn đề "Quy hoạch hình thành lên mạng lưới 20% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn, tích cực trong xã hội để có hỗ trợ phù hợp", ông đặt vấn đề.
Tuy nhiên, đại biểu không khỏi băn khoăn về con số 20% các cơ quan báo chí điện tử lớn có ảnh hưởng được ưu tiên đầu tư này, thì 80% các cơ quan báo chí còn lại sẽ ra sao, 80% cơ quan báo chí điện tử đấy có quan trọng hay không?
“Chúng ta phân định như thế này dễ dẫn đến sự phân tâm và đầu tư liệu đã hiệu quả. Theo tôi, bên cạnh việc đầu tư vào các cơ quan báo chí trực tiếp với tinh thần cần tinh chứ không nhất thiết phải đông. Chúng ta nên đầu tư theo hướng đặt hàng các tác phẩm chất lượng cao”, ông Nghĩa nói.
Sau khi xem dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, ông Nghĩa hoan nghênh việc Chính phủ đề xuất tích hợp mạng xã hội và trang thông tin điện tử vào cùng một giấy phép. Theo ông, như vậy rất hiệu quả.
“Hiện nay chúng ta yêu cầu mạng xã hội riêng, trang thông tin điện tử riêng. Mạng xã hội được phép bình luận nhưng không được đưa các thông tin lên, trong khi trang thông tin điện tử được phép đưa thông tin lên nhưng không được phép bình luận”, ông Nghĩa nói và cho rằng, chúng ta đang tự hạn chế tác động xã hội của mình, trong khi các mạng xã hội nước ngoài không bị chế tài này.
Nêu thực tế hiện nay, các cơ quan báo chí đưa lên mạng thông tin của mình nhưng đang rất lo lắng vì không quản lý được bình luận của bạn đọc. Do đó, hầu hết cơ quan báo chí phải đóng phần bình luận.
“Nhưng nếu không có ai bình luận ở đó thì bài có thể rất hay nhưng không thể nổi lên đầu các trang mạng xã hội. Như vậy, rõ ràng sức ảnh hưởng, tác động bị hạn chế”, ông Nghĩa phân tích.
Do đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan quản lý báo chí quan tâm đến vấn đề này, hãy cạnh tranh những thế mạnh, đưa thông tin lên mạnh mẽ và sẵn sàng bình luận đa chiều để có sự cạnh tranh tích cực.
"Đã đưa lên mạng xã hội thì cũng phải có những phương thức linh hoạt chứ không thể mặc comple, cà vạt đi chạy Grab, rất vướng víu”, ông Nghĩa ví von.
Nêu quan điểm đối với định hướng phát triển các cơ sở báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, bản Quy hoạch đã xác định rõ ràng, chính xác và khoa học mục tiêu tổ chức sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản in.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt những định hướng đó, bà Nga đề nghị không nên khuyến khích tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành trung ương, mà cần bỏ từ "khuyến khích".
Bởi, theo đại biểu đoàn Hải Dương, nếu chỉ dừng lại khuyến khích thì tính hiệu lực và hiệu quả chưa cao.
Song nhìn nhận ở một khía cạnh khác, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu thực tế một số nơi đã sáp nhập theo hướng này, và việc xây trụ sở sau sáp nhập tốn kém hàng trăm tỷ đồng ở mỗi cơ quan, trong khi không phải địa phương nào cũng có nguồn lực cho việc này.
Với đài phát thanh, truyền hình ở các địa phương, ông Nghĩa góp ý có thể cân nhắc phát triển thành các đài phát thanh truyền hình vùng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế vùng, quy hoạch vùng.
Như vậy cũng bớt được chi phí hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng cho một đài ở địa phương, trong khi tính liên kết, tầm nhìn rộng mở hơn rất nhiều.