ĐBQH: cân nhắc kỹ quy định cho phép người nước ngoài gia nhập Công đoàn
Ngày 8/6, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn TP Hà Nội đã thảo luận sôi nổi về quy định quyền thành lập, gia nhập, hoạt động Công đoàn của người nước ngoài được quy định tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Thành viên Công đoàn là người nước ngoài phải ký cam kết
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành cho rằng, tại điều 5 Dự thảo Luật về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động Công đoàn, đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá cân nhắc kỹ về việc bổ sung quy định cho phép người nước ngoài gia nhập tổ chức Công đoàn.
"Hiện nay tại Bộ Luật Lao động đã có quy định về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, việc cho phép người nước ngoài gia nhập sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự" - đại biểu Lê Nhật Thành nêu.
Đại biểu Lê Nhật Thành cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn về cơ chế thu chi, quản lý sử dụng, cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm toán độc lập, định kỳ đối với tài chính Công đoàn, tài sản Công đoàn theo hình thức công khai, minh bạch hóa tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động và các cơ quan, tổ chức, người dân tham gia giám sát.
Cùng quan tâm đến quy định về quyền gia nhập tổ chức Công đoàn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung cho biết, Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội, chịu sự lãnh đạo của Đảng, do vậy các thành viên tham gia tổ chức Công đoàn phải chấp hành nghiêm túc tôn chỉ hoạt động. Vì thế, nếu quy định có thành viên Công đoàn là người nước ngoài thì phải quy định kèm theo nguyên tắc, tiêu chí, cam kết...
Còn đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai bày tỏ đồng tình với phương án 1 quy định về gia nhập Công đoàn của người lao động và công nhận tổ chức của người lao động ngoài Công đoàn. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới thì việc bảo đảm cơ chế pháp luật để người lao động nước ngoài và các tổ chức gia nhập Công đoàn Việt Nam là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là quy định kèm theo cơ chế ràng buộc để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Công đoàn chủ động giám sát thường xuyên sẽ phát hiện được nhiều vi phạm
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan bày tỏ nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn do Luật Công đoàn ban hành năm 2012, trong khi Hiến pháp ban hành năm 2023 nên có một số điểm chưa phù hợp Hiến pháp.
Góp ý vào điều 16 Dự thảo Luật về nội dung giám sát của Công đoàn, đại biểu cho biết hiện nay tồn tại 2 ý kiến: thứ nhất cho rằng quy định nhiệm vụ chủ trì giám sát, chủ trì phản biện xã hội của Công đoàn là để bảo đảm chủ trương thể chế hóa của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động; ý kiến thứ hai cho rằng cần cân nhắc, xem xét lại có nên quy định như vậy hay không.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, trên cơ sở ý kiến giải trình của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì nên dung hòa 2 phương án để bảo đảm đạt được tối ưu. Vì thế, nên sửa cụm từ "chủ trì giám sát" và thay bằng cụm từ "thực hiện giám sát" tại khoản 1 điều 16 để phù hợp với việc thực hiện Luật Dân chủ cơ sở năm 2022.
Đại biểu cũng nhất trí giám sát của Công đoàn chỉ là giám sát mang tính xã hội để phù hợp với các quy định khác có liên quan; đồng thời đại biểu khẳng định: thực tế qua khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động cho thấy, nếu để Công đoàn chủ động tham gia giám sát thường xuyên sẽ phát hiện được nhiều vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động.
Góp ý vào điều 17 về phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn, đại biểu Nguyễn Hải Trung bày tỏ băn khoăn khi Hiến pháp năm 2013 không quy định quyền phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam mà chỉ quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Công đoàn là tổ chức thành viên thuộc MTTQ).
Cùng đó, ở điều 6 của Luật ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật quy định chỉ MTTQ mới có quyền phản biện xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật, còn các tổ chức thành viên muốn thực hiện quyền phản biện xã hội đề nghị phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam - chủ thể thực hiện phản biện. Do vậy đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi cho phù hợp.
Cần chính sách đặc biệt để thu hút cán bộ chuyên trách
Đối với vấn đề công tác cán bộ của tổ chức Công đoàn tại điều 26 Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, để Công đoàn hoạt động tốt thì vấn đề nhân sự chuyên trách làm công tác Công đoàn rất quan trọng.
"Làm thế nào để thu hút được đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm ở cấp cơ sở tham gia vào hoạt động Công đoàn chuyên trách, nếu như chỉ có tuyển dụng mà khôgn có chính sách đặc biệt thì rất khó thu hút. Đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có chính sách đặc biệt hấp dẫn, thu hút đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm tốt chuyên trách làm công tác này" - đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu.
Về thời gian hoạt động của cán bộ Công đoàn không chuyên trách ở cơ sở quy định lại khoản 2, điều 27 Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai cho biết: theo quy định tại Luật Công đoàn năm 2012 thì các cán bộ Công đoàn chuyên trách ở các Công đoàn cơ sở có thời gian tối đa cho hoạt động Công đoàn là 24 giờ/tháng. "Việc dành thời gian ở mức độ này rất hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi họ cần được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp - đặc biệt tại các doanh nghiệp".
Vì vậy, đại biểu tán thành phương án bố trí thời gian cho cán bộ công đoàn hoạt động tại cơ sở căn cứ vào số lượng đoàn viên công đoàn của từng đơn vị.
Đại biểu Bùi Huyền Mai cũng đề xuất tiếp tục giữ nguyên mức thu kinh phí Công đoàn theo phương án duy trì mức đóng góp 2%. Việc quy định này hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành cũng như thực tế về vai trò của tổ chức Công đoàn hiện nay đang ngày càng đáp ứng được yêu cầu của người lao động.