ĐBQH chất vấn việc người dân mua bảo hiểm ô tô, xe máy để 'đối phó', Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói gì?
Sáng 6/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời liên quan đến nhóm thứ nhất thuộc lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng.
Thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu là để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ có giải pháp gì để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy thực sự phát huy được ý nghĩa và mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người dân?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề này được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc.
Bộ trưởng thông tin, thời gian qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64%, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn.
Theo Bộ trưởng, điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy, bởi người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng đến tính mạng, thì bảo hiểm được chi trả tối đa là 150 triệu, xe hư hỏng thì trả tối đa 50 triệu.
Để thuận lợi hơn cho chi trả, Nghị định 67 đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người dân bị tai nạn. Nếu bị ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không bị ảnh hưởng tới tính mạng thì chỉ cần có file ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết các thủ tục cần thiết để được hưởng bảo hiểm.
Giải pháp nào chặn "tín dụng đen"?
Chất vấn liên quan đến tín dụng đen, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu rõ, sau một thời gian bị "kìm nén", hiện nay "tín dụng đen" vẫn còn đất sống, vẫn len lỏi không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả ở vùng thành thị. Thậm chí, đại biểu cho rằng, một số nơi đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nguyên nhân cơ bản của vấn đề này và giải pháp nào để ngăn chặn "tín dụng đen", góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân?
Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian qua, vấn đề tín dụng đen được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm…
Trong thời gian qua, Bộ Công an cùng với các bộ, ngành trong đó có Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai quyết liệt rất nhiều giải pháp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị và Công điện để thúc đẩy triển khai để tăng cái khả năng tiếp cận tín dụng các kênh chính thức, hạn chế "tín dụng đen".
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đã ban hành Quyết định để triển khai hành động, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được tín dụng từ các kênh chính thức.