ĐBQH chỉ ra bất cập trong quy định về mức giảm trừ gia cảnh và rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đã nhấn mạnh: 'Cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng mỗi tháng là quá lạc hậu; cần được Quốc hội xem xét, sửa đổi sớm, không nên chờ đến 2 năm nữa, tức là 2026 mới được thông qua như dự kiến'.
Mức giảm trừ gia cảnh hiện đã “lạc hậu”, cần sớm sửa đổi
Bước sang tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 7 (từ 27 - 31/5), Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự. Các dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến gồm: dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Quốc hội cũng thảo luận về: dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2022; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Đáng chú ý, Quốc hội dành cả ngày 29/5 để thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Phát biểu tại hội trường ngày 29/5, nhấn mạnh về nội dung mà cử tri quan tâm đối với vấn đề mức giảm trừ gia cảnh, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, theo quy định Luật Thuế thu nhập cá nhân thì mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu/tháng.
“Cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng mỗi tháng là quá lạc hậu; cần được Quốc hội xem xét, sửa đổi sớm, không nên chờ đến 2 năm nữa, tức là 2026 mới được thông qua như dự kiến” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy nói.
Nữ Đại biểu Quốc hội phân tích, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế.
Mức giảm trừ này cũng được duy trì từ 2020, trong khi vừa qua rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng. Thậm chí có mặt hàng dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với năm 2020 thì giá dịch vụ giáo dục tăng 17%; giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng 105%…
“Nhiều cử tri chia sẻ, nếu như gia đình có con nhỏ phải thuê người trông thì riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay cũng không dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Nếu gia đình có con cái đi học thì chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình. Nếu như gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc thì không chỉ là chi phí ăn uống, sinh hoạt mà còn là chi phí y tế, thuốc men. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân, cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế hiện nay” - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích.
Từ thực tế trên, nữ Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới thông qua việc sửa đổi quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân như đề xuất thì sẽ có rất nhiều người dân phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân!
Bên cạnh đó, nữ Đại biểu Quốc hội cũng phân tích thêm về sự bất hợp lý trong rổ hàng hóa CPI. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ ra rằng, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vì biến động CPI chưa đến 20%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và cử tri cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các quy định hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là dựa trên rổ hàng hóa với 752 mặt hàng là bất hợp lý.
Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ có khoảng trên 20 mặt hàng. Trong khi phải chờ tính mức trung bình của 752 mặt hàng sẽ rất lâu thì mới đến mức 20%, thậm chí là 6 đến 7 năm. Như vậy, với thời gian quá dài sẽ không phản ánh kịp thời những biến động trong chi tiêu của người dân và các hộ gia đình, gây thiệt thòi cho người dân.
Phải “giữ chân” người lao động trong hệ thống an sinh xã hội
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm trong tuần này. Các Đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian nói về vấn đề bảo hiểm xã hội 1 lần.
Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, dự thảo luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là “người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm”.
Phương án 2 là “sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH”.
Theo nữ Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp thực hiện các phương án về BHXH 1 lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH 1 lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội và vấn đề quan trọng là bảo đảm cuộc sống lâu dài của người lao động.
Theo đó, đối với 2 phương án được đưa ra trong dự thảo lần này, Đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, lựa chọn phương án 1 sẽ có lợi cho người lao động hơn phương án 2 (nếu chưa có phương án thứ 3 tốt hơn).
“Chúng ta nên thực hiện theo cách thứ nhất vì hai lý do. Một là bảo đảm sự công bằng với những người bắt đầu tham gia BHXH ở thời điểm sau khi luật này có hiệu lực; hai là sẽ đảm bảo an sinh cho nhiều người hơn, những người mới tham gia BHXH một thời gian ngắn trước khi luật này có hiệu lực, nếu họ có muốn rút một lần thì vẫn còn nhiều thời gian tích lũy ở giai đoạn sau đó để đủ điều kiện hưởng lương hưu, những trường hợp khác dù không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì họ vẫn bắt buộc phải tích lũy được một khoản tiền nhất định khi đến tuổi nghỉ hưu” - Đại biểu Trần Kim Yến phân tích lý do lựa chọn phương án 1.
Đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, phương án 2 mang tính nửa vời vì sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề rút BHXH 1 lần trong tương lai. Theo nữ Đại biểu Quốc hội, thực tiễn cho thấy không nhiều người muốn rút khỏi thị trường lao động khi mà mình đang còn tuổi, còn sức khỏe; họ chỉ rút khi không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có những khó khăn phát sinh, buộc họ phải có 1 khoản kinh phí để giải quyết những khó khăn trước mắt.
“Bài toán đặt ra là làm thế nào để giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh xã hội. Phương án 2 cho rút 1 phần, vậy còn giải pháp nào không? Theo tôi vẫn còn, đó là có 1 nguồn quỹ nào đó, cho họ vay để giải quyết những khó khăn mắc phải và khi họ trở lại thị trường lao động, đi làm lại, có thu nhập, sẽ trả khoản nợ này; giống như chúng ta cho sinh viên vay đi học” - Đại biểu Trần Kim Yến đề xuất phương án.