ĐBQH Chu Thị Hồng Thái: Cấp thiết kiểm soát nội dung quảng cáo trên môi trường số

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng các nền tảng xuyên biên giới đang trở thành kênh quảng cáo chủ đạo, nhưng lại dễ bị lợi dụng để truyền bá thông tin sai sự thật, lừa đảo, tiếp tay cho các sản phẩm kém chất lượng, cờ bạc trá hình...

Ngày 10.5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu vấn đề về quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo xuyên biên giới.

Theo bà Phúc, xu thế quảng cáo trên mạng và xuyên biên giới là tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo xuyên biên giới, đồng thời quy định rõ trách nhiệm trong việc gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Đồng tình với điều này, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân (TP.HCM) đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan với việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng; người quảng cáo phải cung cấp được giấy phép kinh doanh hoặc tài liệu pháp lý hợp lệ.

“Nền tảng quảng cáo có trách nhiệm lưu trữ và cung cấp thông tin khi cơ quan chức năng yêu cầu và nền tảng quảng cáo trực tuyến cũng phải có cơ chế kiểm soát, báo cáo tự động về các quảng cáo xuất hiện cạnh nội dung vi phạm pháp luật nhằm giúp cho người tiêu dùng phân biệt được hàng hóa đảm bảo chất lượng”, bà Trân nêu.

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cũng đề nghị nghiên cứu, cân nhắc bổ sung việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên môi trường mạng như một nội dung riêng biệt để nhấn mạnh tính cấp thiết.

“Môi trường mạng như là internet, mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới đang trở thành kênh quảng cáo chủ đạo, thay thế dần các phương thức truyền thống nhưng lại dễ bị lợi dụng để truyền bá thông tin sai sự thật, lừa đảo, tiếp tay cho các sản phẩm kém chất lượng như thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc, các dịch vụ cờ bạc, cá độ trá hình”, bà Thái nêu.

Đại biểu quốc hội Chu Thị Hồng Thái – đoàn Lạng Sơn

Đại biểu quốc hội Chu Thị Hồng Thái – đoàn Lạng Sơn

Theo đó, bà Thái đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thực hiện nhiệm vụ này tại dự thảo nghị định quy định chi tiết để làm rõ trách nhiệm và tránh chồng chéo với các bộ ngành khác như Bộ Y tế hay Bộ Công Thương.

Dự thảo luật cũng đã quy định yêu cầu người quảng cáo nước ngoài khi có nhu cầu quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ qua hình thức quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam.

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái đánh giá đây là một bước quan trọng, tạo đầu mối pháp lý rõ ràng trong nước để cơ quan quản lý giám sát và xử lý khi có vi phạm. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để quản lý toàn diện hoạt động quảng cáo xuyên biên giới; chưa đủ rõ ràng để buộc các nền tảng xuyên biên giới phải chịu trách nhiệm điều chỉnh đầy đủ của pháp luật Việt Nam.

Do vậy, bà Thái đề nghị xem xét bổ sung nội dung tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải có trách nhiệm đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; lưu trữ dữ liệu liên quan đến hoạt động quảng cáo phát sinh tại Việt Nam; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.

Trường hợp cung cấp dịch vụ quảng cáo thông qua nền tảng số, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải bảo đảm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu), cho hay khoản 5 Điều 23 quy định trách nhiệm khá chi tiết cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng, như lưu trữ dữ liệu, xác minh danh tính người quảng cáo, kiểm soát nội dung vi phạm. Tuy nhiên, nhiều nghĩa vụ yêu cầu rất cao, trong khi phần lớn nền tảng xuyên biên giới như Google, Meta... chưa có trụ sở pháp lý tại Việt Nam hoặc chưa thực hiện đầy đủ về nghĩa vụ thuế.

Do đó, ông Hùng đề nghị bổ sung quy định bắt buộc nền tảng xuyên biên giới phải có đại diện pháp lý tại Việt Nam, tương tự trong quy định Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định rõ cơ chế cưỡng chế hoặc hậu kiểm nếu như chủ thể không tuân thủ, ví dụ chặn quảng cáo vi phạm, ngừng hợp tác quảng cáo.

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi)

Cũng theo ông Hùng, tại điểm b khoản 2 Điều 23 dự thảo luật quy định "quảng cáo phải có tính năng cho phép người dùng tắt quảng cáo, từ chối quảng cáo không phù hợp", nhưng chưa làm rõ cơ chế phản hồi, ai xử lý, trong bao lâu, xử lý như thế nào.

Do đó, ông đề nghị bổ sung quy định yêu cầu nền tảng số phải xây dựng cổng tiếp nhận phản ánh quảng cáo vi phạm bằng tiếng Việt, có cơ chế xử lý minh bạch, quy định thời gian xử lý tối đa, ví dụ trong vòng 72 giờ và trách nhiệm thông báo kết quả xử lý cho người phản ánh.

Ông Hùng cũng nhận thấy dự thảo luật chưa có quy định cơ chế phối hợp quốc tế trong kiểm soát quảng cáo vi phạm xuyên biên giới. Do đó, ông Hùng đề nghị bổ sung quy định về việc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chủ trì xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành với Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tài chính để xử lý các trường hợp quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt Nam.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dbqh-chu-thi-hong-thai-cap-thiet-kiem-soat-noi-dung-quang-cao-tren-moi-truong-so-232439.html