ĐBQH: 'Chúng ta không thể để doanh nghiệp leo núi mà thiếu dây thừng'
Về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng, cần xã hội hóa hoạt động thử nghiệm và cấp chứng nhận, chúng ta không thể để doanh nghiệp leo núi một mình mà thiếu dây thừng.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rất cần thiết, có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với cam kết phát thải rộng bằng 0 vào năm 2050, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm chi phí xã hội nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Về bổ sung quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng tại khoản 2 Điều 37 của dự thảo luật hiện hành, theo đại biểu, xây dựng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất hiện nay, theo Ngân hàng Thế giới ngành này chiếm tới 36% tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu và gần 40% lượng phát thải CO2.
Ở Việt Nam, hơn 60% điện năng trong các công trình được dùng cho điều hòa và chiếu sáng, chủ yếu do sử dụng vật liệu xây dựng kém hiệu quả. Nhiều lần đi dự các hội thảo tại những tòa nhà hành chính, mặc dù bên ngoài thì trời rất mát nhưng bên trong tòa nhà vẫn mở máy lạnh, nếu ta dùng kính cách nhiệt tốt, có dán nhãn năng lượng chuẩn thì sẽ vừa tiết kiệm điện, vừa tránh lãng phí tiền, trong đó có lãng phí ngân sách Nhà nước - đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu, thế giới đã đi trước chúng ta khá xa, EU Mỹ, Singapore, Nhật Bản đều áp dụng dán nhãn năng lượng vật liệu xây dựng từ lâu, họ không những tiết kiệm năng lượng mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi triển khai quy định này tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định như thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia cho nhiều loại vật liệu, số lượng phòng thử nghiệm đạt chuẩn còn ít, chi phí thử nghiệm cao và cơ chế hậu kiểm còn yếu.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) phát biểu thảo luận
Từ phân tích trên, đại biểu đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo khi thực hiện quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng các nội dung sau:
Một là, ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc cho một số vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện, như là kính xây dựng, vật liệu xây dựng, vật liệu cách nhiệt.
Hai là, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng đối với vật liệu xây dựng đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế.
Ba là, xã hội hóa hoạt động thử nghiệm và cấp chứng nhận, chúng ta không thể để doanh nghiệp leo núi một mình mà thiếu dây thừng.
Bốn là, quy định ứng dụng QRcode, nền tảng số trong sản xuất, kinh doanh loại vật liệu này để truy xuất nhãn năng lượng minh bạch, giúp người tiêu dùng không cần phải là kỹ sư nhưng vẫn có thể hiểu được sản phẩm mình đang dùng tốt đến đâu, đồng thời có cơ chế hậu kiểm chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Nếu làm được những điều trên, tôi tin việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng sẽ thực sự trở thành công cụ thúc đẩy ngành xây dựng phát triển bền vững, tiết kiệm và văn minh.
Về phát triển mô hình ESCO - Công ty dịch vụ năng lượng, đại biểu đồng tình với việc giao Chính phủ xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển mô hình ESCO, đây là mô hình đôi bên cùng có lợi, bên tiết kiệm thì đỡ tốn tiền điện, bên đầu tư thì có thêm lợi nhuận.
Do vậy, theo đại biểu nếu không sớm có cơ chế khuyến khích chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội lớn. Hiện thế giới có khoảng 25 quốc gia áp dụng thành công mô hình ESCO, xem đây là công cụ thị trường, là trụ cột quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.