ĐBQH: Cứu người khi cháy có cần phải đăng ký với công an xã?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh đề nghị cá nhân tình nguyện tham gia phòng cháy, cứu nạn trong tình huống khẩn cấp không phải đăng ký với công an cấp xã nơi cư trú.

Cần chính sách khuyến khích người tình nguyện tham gia PCCC

Sáng nay (1/11), thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CHCN), đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ cơ bản đồng tình với các nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; đồng thời cho rằng dự thảo Luật lần này đã thể hiện được tinh thần đổi mới trong tư duy xây dựng Luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc).

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc).

Đại biểu Mạnh cho biết, tại khoản 2 điều 39 quy định, cá nhân có nguyện vọng tham gia hoạt động PCCC&CNCH tình nguyện thì đăng ký với công an cấp xã nơi cư trú để huy động khi có yêu cầu.

"Vậy trường hợp trực tiếp giải quyết trong tình huống khẩn cấp thì có phải điều kiện không?", ông Mạnh đặt câu hỏi.

Đại biểu đoàn Vĩnh Phúc cho biết, trên thực tế đã có nhiều người tình nguyện tham gia CNCH trong tình trạng khẩn cấp để cứu người khi chưa có lực lượng chức năng.

"Thời gian vừa qua có thanh niên đã cứu được một số người trong vụ cháy ở đường Trung Kính, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, TP Hà Nội trong khi lực lượng chức năng chưa kịp đến hiện trường", ông Mạnh nói.

Từ những nội dung trên ông Mạnh cho rằng, cần phải bổ sung cụm từ "trừ trường hợp tình nguyện PCCC&CNCH trong tình huống khẩn cấp vào cuối khoản 2, điều 39".

Ông Mạnh cũng đề nghị bổ sung chính sách nhà nước để khuyến khích người tham gia tình nguyện PCCC và bổ sung đối tượng tình nguyện PCCC trong tình huống khẩn cấp, giao cho Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Đại biểu Mạnh cũng đề nghị xem xét bổ sung một khoản quy định UBND cấp xã có trách nhiệm thông tin về danh sách các cơ quan, tổ chức thuộc lực lượng PCCC&CNCH, cơ quan công an trên địa bàn xã, kèm theo điện thoại đường dây nóng và địa chỉ liên hệ để người dân biết và lựa chọn nơi gần nhất để báo cháy, CNCH trong trường hợp cần thiết.

Đề nghị bổ sung phòng cháy với chung cư cao tầng

Đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) đề nghị bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng bởi nhiều chung cư đã sử dụng từ lâu, hạ tầng xuống cấp, dễ xảy ra cháy nổ.

Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên).

Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên).

Theo đại biểu Luyến, chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, CNCH không còn đảm bảo.

Đại biểu cho rằng cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe PCCC, CNCH chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra, nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản.

Ngoài ra, kỹ năng thoát nạn đặc biệt quan trọng đối với người dân. Để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giúp bớt thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực lượng CNCH khi có cháy nổ xảy ra, đại biểu Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn.

Theo đó, bổ sung trách nhiệm của các đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC&CNCH.

"Việc làm này để kỹ năng thoát nạn không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết và kiến thức mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên của mỗi người dân khi có bất kỳ một vụ cháy, nổ dù lớn hay bé xảy ra", bà Luyến cho hay.

Bỏ quy định dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Trước đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCCC&CNCH.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Ông Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa phạm vi điều chỉnh với nội dung trong dự thảo Luật.

Về phòng cháy, dự thảo Luật đã tách Điều 17 về Phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều gồm 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20).

Đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này; bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở và thể hiện cụ thể tại Điều 22 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Tiếp thu, chỉnh lý bao quát các quy định về bảo đảm an toàn PCCC trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, cho sản xuất để bảo đảm tính khả thi, không chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.

Về quy định kinh doanh dịch vụ PCCC, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các ý kiến trên là cần phải thực hiện chủ trương của Đảng về việc "đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC", tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phương tiện, thiết bị PCCC, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động PCCC&CNCH.

Do vậy, để tiếp thu ý kiến đại biểu và tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bỏ quy định kinh doanh dịch vụ PCCC là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật này, đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư 2020.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung các quy định về nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC&CNCH, thiết kế lại điều khoản chuyển tiếp, tách riêng một điều quy định về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dbqh-ban-khoan-cuu-nguoi-khi-chay-co-phai-dang-ky-voi-co-quan-chuc-nang-192241101101934362.htm