ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi bị cấm quảng cáo trên môi trường mạng
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vừa được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến sẽ thông qua vào Kỳ họp thứ 9.
Bổ sung hành vi bị cấm quảng cáo trên môi trường mạng
Tại phiên thảo luận hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp thứ 8, góp ý về quảng cáo trên mạng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung ( Long An) cho biết, Điều 23 sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên môi trường mạng, trong đó có quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng.
Dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin quy phạm pháp luật, tiếp nhận thông báo và gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, dự thảo chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khi đó chưa rõ các cơ quan chức năng có thẩm quyền là những cơ quan khác.
Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết cũng nêu. Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý qua, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra.
Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo lên không gian mạng hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo.
Về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo (bổ sung khoản 5 sau khoản 4, Điều 31 sửa đổi, bổ sung), dự thảo luật quy định tự chịu trách nhiệm của người, đơn vị quảng cáo, đại biểu đề nghị cân nhắc bởi biển hiệu, bảng quảng cáo có kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn thì cần tính đến tính an toàn, chịu lực của công trình được gắn biển hiệu, bảng quảng cáo cũng như biển hiệu, bảng quảng cáo với kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến an toàn công trình lân cận và an toàn đối với cộng đồng trong quá trình khai thác, sử dụng. Hơn nữa, việc xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo cũng phải phù hợp với các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đô thị.
Cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là thiếu quảng cáo
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cho rằng sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo nhằm hoàn thiện khung pháp lý, quản lý hoạt động quảng cáo trong bối cảnh ngày càng phát triển.
Góp ý về trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động quảng cáo, nữ đại biểu tỉnh Bình Định cho biết, dự thảo luật quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không đảm bảo các yêu cầu. Tuy nhiên, cần phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể: Nhãn hàng chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và nội dung thông tin cung cấp. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chịu trách nhiệm đảm bảo phù hợp, đúng với nội dung được doanh nghiệp cung cấp.
Về Yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (như sữa, thực phẩm bổ sung cho trẻ dưới 24 tháng), đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về quảng cáo các sản phẩm đặc biệt dành cho trẻ em, đặc biệt là các sản phẩm thay thế sữa mẹ ngay từ khi chào đời, vì đây là những sản phẩm rất khó kiểm soát.
Về quảng cáo trên báo in, báo hình, đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát các Luật liên quan trong quản lý, xử lý, các giải pháp cụ thể nhằm quản lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc, đặc biệt các chính sách, giải pháp đảm bảo hoạt động báo chí, truyền hình thực hiện chính nhiệm vụ chính trị, là kênh chính thống, uy tín, qua đó thu hút khách hàng là độc giả, doanh nghiệp chủ động tìm đến, bên cạnh giải pháp “tăng tỷ lệ quảng cáo trên báo giấy” khi mà chúng ta chưa khai thác hết dung lượng quảng cáo đã đề ra.
Nêu quan điểm về vấn đề diện tích quảng cáo trên báo in, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết, các ý kiến của các ĐBQH đều nêu quan điểm, việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là thiếu quảng cáo.
Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác nữa hiệu quả hơn báo in. Thị trường có thể biến động, do đó, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ lo lắng nếu giao tự chủ, tự quyết diện tích quảng cáo này thì có thể dẫn đến một số cơ quan báo chí có lượng bạn đọc ổn định, lượng phát hành ổn định hoặc báo do ngân sách nhà nước bảo đảm mà lại tăng diện tích quảng cáo lên thì rất phản cảm. Báo, tạp chí là do thị trường quyết định, do bạn đọc quyết định.
Do đó, ngoài quy định đầy đủ, hoàn thiện về nội dung này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in, trừ cơ quan báo chí đặc thù, cơ quan báo chí sử dụng NSNN, các cơ quan báo chí đặt hàng, các báo được bao tiêu sản phẩm… Có nhiều cách để điều tiết vấn đề này, tuy nhiên nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tức là các cơ quan báo chí đặc thù, báo do NSNN bảo đảm thì Chính phủ quy định chi tiết. Còn lại nên quy định mở, “vì quản thì không xuể”, quy định như vậy sẽ cởi mở và hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay khi người đọc hiện nay rất tinh tường, sẽ lựa chọn những sản phẩm đứng đắn, đàng hoàng và có trách nhiệm với công chúng, với xã hội./.