ĐBQH đề nghị công bố hết dịch COVID-19, ngừng sản xuất vaccine nội địa

Các ĐBQH đề nghị đã đến lúc Việt Nam công bố hết dịch COVID-19 và ngừng nghiên cứu sản xuất vaccine nội địa.

Sáng 29-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại nghị trường về công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phát biểu tại đây, ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, nhắc lại việc ông đã từng đề xuất nên xem xét công bố hết COVID-19 từ giữa năm 2022. Sau đó, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam.

“Đến nay, từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, tôi cho rằng Việt Nam có thể yên tâm công bố hết COVID-19 bởi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết” - ĐB Hiếu nói.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH Bình Định. Ảnh: QH

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH Bình Định. Ảnh: QH

Theo đó, ông Hiếu nêu ra ba điều kiện cần và đủ để Việt Nam công bố hết dịch COVID-19. Thứ nhất, tỉ lệ bệnh nặng do COVID-19 gây ra hầu như không còn, những ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng, có dương tính COVID-19.

“Điều đó cho thấy COVID-19 vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không còn nguy cơ gây tử vong cao” - ĐB Hiếu nhấn mạnh.

Thứ hai, tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 trong nước đã trải rộng, toàn quốc tiêm được hơn 266 triệu liều. Người từ 12 tuổi được tiêm đủ hai mũi cơ bản. Tỉ lệ tiêm mũi ba cho người từ 18 tuổi đạt 81%, tiêm mũi bốn cho người từ 18 tuổi nguy cơ cao đạt 89%, mũi ba cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69%.

Thứ ba, tình hình COVID-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng 5, WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

“Đây là ba điều kiện cơ bản và cần thiết để Việt Nam chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỉ lệ tử vong cao) sang nhóm B (các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong)” - ĐB Hiếu nói.

Theo ĐB Hiếu, khi COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần coi đây là bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc chi trả cũng cần ứng xử như các bệnh lý khác, nghĩa là do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: QH

ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: QH

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Bộ Y tế chú ý tới công tác sản xuất kit test và vaccine phòng chống các loại dịch bệnh nói chung, nhất là các bệnh mới nổi.

Tuy nhiên, ĐB Trí cũng đề nghị nên ngừng nghiên cứu, sản xuất vaccine về COVID-19.

"Bây giờ đã quá muộn để nghiên cứu, sản xuất loại vaccine này. Cần tìm mua loại vaccine chống COVID-19 tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho người dân” - ĐB Trí nói.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/dbqh-de-nghi-cong-bo-het-dich-covid-19-ngung-san-xuat-vaccine-noi-dia-post735407.html