ĐBQH đề nghị tập trung nguồn lực cho tuyến điều trị bệnh nhân nặng
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng để chống dịch cần có kịch bản đầy đủ. Trên cơ sở đó, đại biểu nêu ra 3 nguyên tắc: Chống lây lan tối đa, giảm tỷ lệ tử vong tối đa, đảm bảo phát triển kinh tế.
Ngày 25/7, tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp 6 tháng cuối năm 2021, các đại biểu nêu nhiều ý kiến liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh, coi đó là nội dung quan trọng hàng đầu.
Chống dịch cần có 3 nguyên tắc
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) đánh giá Chính phủ đã chỉ đạo dập dịch, hạn chế số ca nhiễm, đáp ứng điều kiện để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.
Dù vậy, để đảm bảo an toàn trước tình trạng số ca nhiễm tăng nhanh ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước, đại biểu Đỗ Thị Lan nhất trí việc đưa vào nội dung nghị quyết kỳ họp về tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Nữ đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường nguồn cung ứng vaccine, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho người dân, giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong.
Dẫn thực tế tại Quảng Ninh, bà Lan cho biết nhờ xây dựng kịch bản chi tiết, tốt các khâu như kiểm soát, truy vết, khoanh vùng, cách ly từ các cấp chính quyền đoàn thể, tổ dân phố, người dân nên không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Quốc hội Bình Định) cho hay: “Không thể thấy số ca nhiễm một tỉnh giảm mà coi là thành công vì với chủng Delta như hiện nay, không thể lường trước được tình hình, có khi buổi sáng thức dậy đã thấy tỉnh mình bùng phát dịch.”
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng để chống dịch cần có kịch bản đầy đủ. Trên cơ sở đó, đại biểu nêu ra 3 nguyên tắc: Chống lây lan tối đa, giảm tỷ lệ tử vong tối đa, đảm bảo phát triển kinh tế.
Để giảm tỷ lệ tử vong, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần chia hệ thống chống dịch thành 3 tầng. Tầng 1 là bệnh viện dã chiến, chăm sóc người nhiễm F0 không có triệu chứng với nhiệm vụ đề phòng đối tượng này trở thành bệnh nhân thực sự. Tại khu cách ly tập trung bệnh viện dã chiến cần thực hiện nghiêm túc quy trình theo dõi chặt chẽ, điều kiện sinh hoạt bảo đảm.
Tầng 2 là mô hình đã triển khai rộng rãi nhiều năm nay. Đó là các bệnh viện, trung tâm y tế điều trị các bệnh nhân mức độ vừa chưa cần thở máy, lọc máu. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, tuyến này cần đào tạo nhân viên y tế, nắm chắc các khuyến cáo hướng dẫn của Bộ Y tế và cần đánh giá mức độ bệnh chính xác để không chuyển tuyến quá sớm hoặc quá muộn.
Tiếp đó là tầng 3. Theo ông Hiếu, đây là tuyến quan trọng nhất nhưng cũng yếu nhất đó là trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, chỉ nhận các bệnh nhân cần thở máy, thở máy. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị nguồn lực của Trung ương cần tập trung vào đây sao cho số giường không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm. “Ví dụ ước tính có 100.000 bệnh nhân thì cần có 5.000 giường,” ông nói.
Kiên định “5K+vaccine”
Quan tâm đặc biệt về vaccine, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng đây sẽ là chìa khóa để chúng ta chiến thắng đại dịch.
Theo đại biểu, mặc dù đã rất cố gắng, chủ động vận động mọi kênh, mọi cấp nhưng hiện nay số vaccine Việt Nam thực nhận và số người được tiêm còn rất hạn chế.
"Đến thời điểm này, chúng ta mới có khoảng 10 triệu liều vaccine về tới Việt Nam trên tổng mục tiêu là 150 triệu liều. Chúng ta mới có khoảng 4,5 triệu người được tiêm, trong đó số được tiêm đủ 2 mũi mới chỉ khoảng 1% dân số," đại biểu đoàn Đồng Nai cho biết.
Từ thực tế này, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc đưa vaccine về nước; trong đó có việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, chung tay cùng Chính phủ để đưa vaccine về Việt Nam.
"Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu để cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nanocovax. Hiện nay thì Nanocovax đã thử nghiệm ở giai đoạn 3 và cho kết quả rất khả quan. Do đó, tôi đề nghị Bộ Y tế tiếp tục quan tâm đến vấn đề này," đại biểu đoàn Đồng Nai nêu ý kiến.
Dưới góc nhìn là một chuyên gia trong ngành Y tế, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) cho rằng việc cách ly F1, F0 tại nhà hay khu cách ly tập trung cũng cần linh hoạt. Nếu cách ly tại nhà thì phải thực hiện thật đúng, thật tốt như các quy định về tiếp xúc, khám, xét nghiệm phải có y tế, dân phòng, công an phối hợp với gia đình để tổ chức triển khai nghiêm túc việc cách ly tại nhà.
“Đặc biệt là cần áp dụng mạnh mẽ việc khám, chữa bệnh từ xa vào hoạt động y tế trong mùa dịch,” đại biểu biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Phân tích những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong nước tác động tiêu cực đến kinh tế, sinh hoạt và sức khỏe nhân dân, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ quan tâm cập nhật, xây dựng các kịch bản về dịch bệnh và dựa vào các kịch bản đó xây dựng các chỉ tiêu, kịch bản cho sản xuất, cho phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bền vững.
Trước mắt, đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị Chính phủ cần tập trung mạnh ưu tiên nguồn lực để chống dịch và phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân, đặc biệt là kiên định với nguyên tắc “5K+vaccine” trong chống dịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, khám chữa bệnh và thực hiện các hoạt động chỉ đạo khác về y tế.
Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức các bệnh dã chiến với các tầng, tháp hiệu quả, khả thi trong điều trị dịch bệnh; tăng cường hơn nữa các hoạt động hội họp trực tuyến để bảo đảm giãn cách, giảm thiểu lây lan dịch bệnh./.