ĐBQH đề xuất đầu tư cao tốc Bắc - Nam hoàn chỉnh một lần để tiết kiệm chi phí

Nhiều ĐBQH cho rằng nên tập trung đầu tư cao tốc Bắc - Nam hoàn chỉnh một lần, sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với sau này đầu tư mở rộng.

Chiều 10/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) kiến nghị nâng đoạn Cần Thơ - Cà Mau từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Nguyên nhân là do tốc độ di chuyển của các phương tiện trên đường cao tốc khá cao, do đó thiết kế 4 làn xe sẽ gây khó khăn khi vượt tránh, xử lý tình huống rủi ro, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

“Ông bà ta có câu “một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ”, nên chúng ta tập trung đầu tư hoàn chỉnh một lần sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với sau này đầu tư mở rộng", đại biểu Hận nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau).

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau).

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) cho biết, theo quy hoạch tuyến Cần Thơ - Cà Mau có quy mô bề rộng mặt đường chỉ có 4 làn xe. Báo cáo giải trình đã nêu rõ lý do tại sao trong giai đoạn đầu chỉ đầu tư 4 làn xe hạn chế với mặt đường 17m. Giai đoạn sau đầu tư theo quy mô quy hoạch 4 làn xe hoàn chỉnh với mặt đường 24,75m.

"Thay vì theo quy hoạch đầu tư đoạn Cần Thơ - Cà Mau phải chia làm 2 giai đoạn, tôi kiến nghị Chính phủ có thể đầu tư ngay trong giai đoạn này với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và 2 làn dừng xe khẩn cấp với mặt đường 24,75m góp phần kết nối hoạt động kinh tế xã hội, nhất là tại các tỉnh thuộc ĐBSCL", bà Linh nói.

Trước đó, theo tờ trình, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.

Tại phiên thảo luận, đồng tình với chủ trương xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông song đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 147 nghìn tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư 201 tỷ đồng/km tính cả giải phóng mặt bằng (GPMB) và không GPMB là 175 tỷ đồng/km.

Trong khi đó, những tuyến cao tốc đã hoàn thành như cao tốc Vĩnh Hảo suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng, tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo 122,6 tỷ đồng; Phan Thiết - Dầu Giây 125,7 tỷ. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, nếu như chúng ta tính toán lại kinh phí tổng mức chỉ khoảng 130 nghìn tỷ đồng.

“Như vậy, rõ ràng, chúng ta thấy rằng suất đầu tư và tổng mức đầu tư cần phải tính toán lại”, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Về việc sử dụng nguồn vốn, đại biểu Cường cho biết, dự án dự kiến sử dụng 72 nghìn tỷ từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để đầu tư vào dự án. Tuy nhiên, theo tiến độ giai đoạn 2022 - 2023, tổng giải ngân của dự án này chỉ được 31 nghìn tỷ. Mặt khác, gói phục hồi kinh tế nhằm giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023.

Do vậy, việc phân bổ 72 nghìn tỷ vào dự án này sẽ còn ít nhất 40 nghìn tỷ chưa được giải ngân đúng theo mục tiêu của phục hồi kinh tế. Như vậy, việc sử dụng tiền cho phục hồi kinh tế vào đầu tư dự án này cũng cần tính toán lại.

Liên quan tới thiết kê xây dựng dự án, đại biểu Cường nêu dẫn chứng về tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mỗi bên 3 làn đường nhưng buổi sáng thì bên này đặc kín còn làn bên kia thì trống trải. Tình trạng ngược lại lại diễn ra vào buổi chiều. Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị thiết kế giải phân cách cơ động để tăng công suất sử dụng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị tách dự án GPMB cho các dự án nói chung, không chỉ dự án này. Theo ông, việc tách dự án GPMB ra khỏi dự án đầu tư công sẽ còn giải quyết được nhiều vấn đề khác như huy động nguồn lực khi đấu giá đất đai.

Tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng mức đầu tư dự án được tính toán trên căn cứ cơ sở khảo sát thực tiễn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện Bộ sẽ hết sức thận trọng, bảo đảm đúng quy định và tiết kiệm nhất.

Về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt; trong đó thu hồi đất 1 lần, làm hàng rào bảo vệ toàn bộ phần đất được quy hoạch; tính toán tái định cư phù hợp với thực tiễn, tránh trình trạng lãng phí gây tăng tổng mức đầu tư của dự án. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ cố gắng giải phóng mặt bằng trong 1,5 năm, đến cuối năm 2023 phải xong toàn bộ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng rất cần thiết có cơ chế đặc thù trong thực hiện dự án.

“Nếu không có cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp sẽ rất mất rất nhiều thời gian. Nếu có cơ chế đặc thù sẽ rút ngắn mỗi bước đấu thầu khoảng 2 tháng, tổng thời gian tiết kiệm được từ 6-9 tháng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ”, ông Thể nói.

Xuân Trường - Quang Tuyền

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dbqh-de-xuat-dau-tu-cao-toc-bac-nam-hoan-chinh-mo-t-lan-de-tie-t-kie-m-chi-phi-ar656479.html