ĐBQH DƯƠNG KHẮC MAI: CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO CÒN THIẾU BỀN VỮNG, KHẢ NĂNG TÁI NGHÈO CAO

Theo đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đạt được nhiều thành công, là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, vấn đề giảm nghèo thời gian qua còn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao…

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Tham gia góp ý tại Phiên thảo luận Tổ vào sáng 24/10, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, với nền kinh tế có GDP còn khiêm tốn nhưng lại có độ mở cao như nước ta nên trước tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và mới đây là xung đột Israel - Hamas tác động tới quá trình phục hồi của thế giới hậu đại dịch COVID-19; việc tăng giá trị đồng ngoại tệ mạnh; các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc… đang dần bị thu hẹp, phát sinh nhiều rào cản kỹ thuật tạo thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu.

Vì vậy, giá nhiều mặt hàng tăng cao đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là giá các mặt hàng như vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Đây là các yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân do gia tăng chi phí sinh hoạt, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề ra những giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

Đối với công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đạt được nhiều thành công, theo đánh giá là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Đắk Nông cho rằng, vấn đề giảm nghèo thời gian qua còn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, còn tình trạng nghèo đói - thoát nghèo - tái nghèo. Bên cạnh đó, khi tác động của đại dịch Covid - 19 chưa giải quyết xong thì thiên tai bão lũ lại đến ngày càng thường xuyên, một bộ phận không nhỏ người dân sẽ bị tái nghèo đây là vấn đề phải đặc biệt quan tâm, có giải pháp toàn diện về mặt lâu dài.

Về đầu tư công, đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, giải ngân vốn đầu tư công cải thiện đáng kể, ước giải ngân đến hết tháng 9/2023 đạt 51,38% kế hoạch. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt nhưng vẫn còn cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó đầu tư công được xem là một nguồn lực quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch hiện nay.

Đại biểu cũng cho rằng, hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công của nước ta thời gian qua mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số bất cập như hệ số ICOR của khu vực nhà nước cao, việc chậm giải ngân vốn, còn tình trạng lãng phí nguồn vốn nhà nước... Một trong những nguyên nhân là việc giao vốn một số chương trình mục tiêu còn chậm nên các địa phương, Bộ ngành không kịp triển khai, do đó cần khắc phục để vấn đề này một cách căn cơ trong thời gian tới.

Về tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, hiên nay các địa phương đang chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền thì các địa phương ban hành văn bản thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, một số bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thuộc các chương trình Mục tiêu quốc gia; do đó, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng các văn bản theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, giải ngân vốn của các địa phương.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương căn cứ triển khai thực hiện đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và đúng quy định của pháp luật, và đây cũng là góp phần đẩy nhanh tiến độ Giải ngân vốn đầu tư công.

Về lĩnh vực tài chính, việc phát triển nhanh hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng đã dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Trong đó, có hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn. Cùng với đó, còn có việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Do đó, đại biểu kiến nghị cần nghiêm túc chấn chỉnh trong quản lý để tiến tới chấm dứt những tồn tại này.

Ngoài ra, về lĩnh vực xây dựng pháp luật, đại biểu Dương Khắc Mai nhận định đang còn những hạn chế nhất định, chủ yếu nhất là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh. Do đó, cần quyết liệt, cương quyết hơn nữa trong việc bảo đảm trình tự thủ tục ban hành văn bản pháp luật, để hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81263