ĐBQH: Giảm thời gian đóng BHXH, sẽ có người nhận lương hưu chỉ hơn 2 triệu đồng

Đại biểu Võ Mạnh Sơn băn khoăn giảm thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, chỉ hơn 2 triệu đồng.

Phát biểu thảo luận ở tổ chiều 2/11 về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa bày tỏ nhất trí về quy định sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.

Tuy nhiên, đại biểu Sơn cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng.

Đồng thời, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu.

Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai”, đại biểu Sơn nêu ý kiến.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Ảnh Quochoi.vn.)

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Ảnh Quochoi.vn.)

Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp. Theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.

Nêu quan điểm về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn ĐBQH Điện Biên, nhất trí với quy định bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Qua đó nhằm tiến dần tới mục tiêu mọi công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo.

Từ đó sẽ hướng đến đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ, để không ai phải ở lại phía sau, đúng như mục tiêu xây dựng xã hội công bằng dân chủ, văn minh, thể hiện tính ưu việt của định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Yên cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu là rất hợp lý vì Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu:

“Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”, đại biểu Yên nhấn mạnh.

Về BHXH một lần, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, năm 2022 có gần 1.000.000 người hưởng BHXH một lần, số này tiếp tục tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.

“Có thể thấy, cú sốc về kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến hàng triệu lao động mất việc làm. Nhiều lao động mất việc làm chưa tìm được việc làm mới và cũng không còn sự lựa chọn nào khác mà phải dựa vào tiền đóng BHXH để sử dụng trong lúc khẩn cấp khó khăn”, đại biểu Hà nói.

Đại biểu Hà dẫn con số, cuối năm 2022, nhiều công ty ở khu vực phía Nam buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp phạm vi kinh doanh.

“Theo thống kê, có hơn 600.000 công nhân đã bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 34.000 công nhân mất việc làm, số còn lại bị giảm giờ làm việc hoặc chờ nghỉ việc. Nếu những người lao động bị ảnh hưởng từ làn sóng mất việc của năm 2022 không thể tìm được việc làm mới trong vòng 1 năm, rất có khả năng nhiều người trong số họ sẽ nghĩ đến việc rút tiền BHXH để trang trải cuộc sống”, đại biểu Hà nói.

Vì vậy, đại biểu cho rằng cần phải có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn, tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ.

Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, về quy định hưởng BHXH một lần, đây là một nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt vì xung đột lợi ích. Người đã đóng BHXH mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình.

Trong khi đó, Nhà nước lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân gia đình họ, cho xã hội. Mong muốn của cả hai bên đều rất chính đáng.

Thực tế, tiền đóng BHXH là để dưỡng già và gắn với BHYT, vốn được chi trả như nhau không phụ thuộc vào số năm đóng cũng như mức hưởng BHXH. Do đó, đại biểu Yên cho rằng, phải đảm bảo lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân.

Nghị quyết số 28-NQ/TW của Đảng đã chỉ rõ: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.

Vì vậy, các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như trong Dự án Luật là rất cần thiết và hợp lý, nhân văn như: giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm hay hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng...

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dbqh-giam-thoi-gian-dong-bhxh-co-the-dan-den-xu-huong-ngheo-hoa-ar831483.html