ĐBQH Hà Sỹ Đồng: Doanh nghiệp rất hiếm khi dám kiện cơ quan nhà nước

ĐBQH Hà Sỹ Đồng cho biết doanh nghiệp rất hiếm khi dám kiện cơ quan nhà nước, nguyên nhân một phần do doanh nghiệp sợ bị trù dập, nhưng một phần do họ biết có đi kiện cũng sẽ thua.

Chiều 15-5, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Nêu ý kiến, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết ông đồng tình với các nguyên tắc thanh tra, kiểm tra, cấp phép quy định tại dự thảo.

Đề xuất cho phép áp dụng hồi tố có lợi về trách nhiệm hành chính, hình sự

Tuy nhiên, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị bổ sung nguyên tắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan nhà nước không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình các loại giấy tờ do chính cơ quan nhà nước đó đã cấp, các loại giấy tờ đã được công bố hoặc đã được cập nhật trên các cơ sở dữ liệu quốc gia mà cơ quan đó có quyền truy cập.

“Điều này sẽ giúp thúc đẩy Chính phủ điện tử, cơ quan nhà nước buộc phải sử dụng các cơ sở dữ liệu điện tử. Chứ tình trạng hiện nay có nhiều thứ đã điện tử hóa rồi mà cơ quan nhà nước vẫn cứ đòi bản giấy”- ông nói.

 ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, vị ĐBQH đoàn Quảng Trị cũng đề nghị bổ sung quy định trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cấp phép, ngoài việc viện dẫn quy định của pháp luật, doanh nghiệp có quyền viện dẫn các trường hợp tương tự đã có kết luận trước đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nếu cơ quan nhà nước quyết định khác so với vụ việc trước đó thì phải giải thích rõ lý do. Theo ông, điều này để tránh tùy tiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cấp phép.

Liên quan đến quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm, ủng hộ quy định “không áp dụng hồi tố bất lợi”, tuy nhiên, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị bổ sung cho phép cơ quan nhà nước áp dụng hồi tố “có lợi về trách nhiệm hành chính, hình sự”.

Lý giải về đề xuất nói trên, ông Hà Sỹ Đồng nói “vì nhiều trường hợp pháp luật có quy định bất cập”.

“Vì bất cập đó nên một số doanh nghiệp vi phạm. Sau đó, cơ quan nhà nước nhận thấy bất cập và điều chỉnh quy định theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Khi đó, những trường hợp doanh nghiệp vi phạm trước đó nên được áp dụng hồi tố có lợi”- theo ĐBQH đoàn Quảng Trị.

Tăng cường áp dụng biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại

Ngoài ra, ông Hà Sỹ Đồng cũng đề xuất tăng cường áp dụng biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại trong tố tụng hình sự.

“Chỉ trường hợp thật cần thiết mới áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam”- ông Đồng nhấn mạnh và cho hay trên thực tế, rất nhiều vụ án nếu cho doanh nhân tại ngoại thì họ có cơ hội để khắc phục thiệt hại hoặc tiếp tục điều hành công việc kinh doanh.

“Việc tạm giữ, tạm giam kéo dài đối với doanh nhân nhiều khi chỉ giải quyết được một vụ án nhỏ nhưng lại khiến cả một doanh nghiệp lớn lâm vào khó khăn, mất sức cạnh tranh với quốc tế”- ông Hà Sỹ Đồng nói thêm.

Liên quan đến việc giải quyết phá sản – tranh chấp, ĐBQH đoàn Quảng Trị đồng ý với dự thảo quy định giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn và đề nghị mở rộng (hoặc bổ sung thêm một điều nữa) về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.

Theo ông, giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại đang là nút thắt đối với rất nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển.

Ông Hà Sỹ Đồng cũng góp ý vào một số nội dung cụ thể, như cần bảo đảm tuân thủ đúng về thời hạn tố tụng khi thụ lý, xét xử và thi hành án các vụ việc kinh doanh thương mại.

“Việc chậm trễ, kéo dài thời gian xử lý vụ án, kéo dài thời gian thi hành án kinh doanh thương mại là tiêu chí để kỷ luật cán bộ”- ông nói và cho biết đây là vấn đề doanh nghiệp rất bức xúc vì thời gian xử lý vụ án kinh doanh thương mại kéo quá dài.

Ông cũng kiến nghị nên đặt mục tiêu tăng tỷ lệ thi hành án dân sự thành công về tiền lên trên 80% đối với các vụ việc có điều kiện thi hành. Tỷ lệ này hiện mới chỉ đạt hơn 40%, gần 50%- mức rất thấp và điều này làm giảm lòng tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp.

Một góp ý khác, ông Đồng kiến nghị cần bảo đảm nguyên tắc chỉ hủy phán quyết trọng tài, không công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài khi có vi phạm thực sự nghiêm trọng về tố tụng. Theo ông, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng tòa án hủy phán quyết trọng tài vì những vi phạm tố tụng hết sức nhỏ nhặt. Điều này khiến tỷ lệ hủy phán quyết lên cao, khiến doanh nghiệp nản lòng và không còn niềm tin vào hệ thống tư pháp.

Doanh nghiệp rất hiếm khi dám kiện cơ quan nhà nước

Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại tố cáo và vụ án hành chính, ĐB đánh giá một vấn đề lớn hiện nay là doanh nghiệp rất hiếm khi dám kiện cơ quan nhà nước, khi cơ quan nhà nước làm sai. Theo ông, điều này không chỉ khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại mà còn khiến kỷ luật kỷ cương của nhà nước bị xâm phạm nghiêm trọng và kéo dài.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần do doanh nghiệp sợ bị trù dập, nhưng một phần do họ biết có đi kiện cũng sẽ thua.

“Tôi không có con số cụ thể, nhưng theo tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý thì những trường hợp doanh nghiệp kiện chính quyền mà thắng là vô cùng hiếm. Nguyên nhân một phần là do tòa án tỉnh, tòa án huyện lại xét xử chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện của chính tỉnh đó huyện đó”- ông Hà Sỹ Đồng cho rằng điều này không bảo đảm sự độc lập khách quan.

“Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về tố tụng hành chính, cho phép doanh nghiệp khởi kiện các hành vi hành chính, quyết định hành chính của chính quyền tỉnh, huyện tại tòa án nơi khác”- ông Đồng nói và đề xuất trước mắt có thể cho phép khởi kiện tại tỉnh của nguyên đơn hoặc tỉnh bên cạnh.

Về lâu dài, theo ông, nhất định phải tổ chức lại hệ thống tòa án sao cho bảo đảm không có chuyện tòa tỉnh lại đi xét xử cơ quan hành chính của tỉnh mình.

Sau cùng, ông Hà Sỹ Đồng nói ngoài các biện pháp cứng để điều tra, khảo sát, lấy ý kiến doanh nghiệp tư nhân như Nghị quyết đã đề cập, cần thêm các biện pháp mềm như các cuộc điều tra, khảo sát đánh giá của doanh nghiệp tư nhân đối với Nhà nước.

Kinh nghiệm cho thấy cuộc điều tra khảo sát doanh nghiệp tư nhân, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong 20 năm qua là cực kỳ hiệu quả. Các doanh nghiệp tư nhân có cơ hội để phản ánh ý kiến của mình đối với chính quyền các địa phương.

“Đề nghị Nhà nước cấp ngân sách để tiếp tục thực hiện các chương trình điều tra, khảo sát, lấy ý kiến của doanh nghiệp tư nhân tương tự”- ông nói.

Nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

1. Số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

2. Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) bao gồm cả kiểm tra liên ngành, đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

3. Trường hợp đối với cùng một nội dung thì cơ quan quản lý nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

4. Kế hoạch, kết luận thanh tra và kiểm tra phải thực hiện công khai theo quy định của pháp luật.

5. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

6. Ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp.

7. Miễn kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật.

8. Thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.

9. Không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác.

10. Xử lý nghiêm các hành vi làm hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.

11. Nghiêm cấm các cơ quan truyền thông, báo chí, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân.

Điều 4 dự thảo Nghị quyết

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dbqh-ha-sy-dong-doanh-nghiep-rat-hiem-khi-dam-kien-co-quan-nha-nuoc-post849921.html