ĐBQH lại tranh luận về tách luật giao thông đường bộ

Việc bổ sung 3 dự án luật do Bộ Công an xây dựng vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đã nhận được các ý kiến khác nhau tại diễn đàn Quốc hội.

Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Đề nghị bổ sung 3 luật do Bộ Công an xây dựng

Trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh chương trình năm 2023.

Theo đó, bổ sung bốn dự án luật, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH

Với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, gồm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình năm nay.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào chương trình năm 2023”- ông Tùng nói.

Trong ba dự án luật nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Hai dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đề nghị cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

“Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại kỳ họp thứ 6”- ông Tùng thông tin.

Tranh luận về 3 dự luật do Bộ Công an xây dựng

Liên quan đến đề xuất bổ sung 3 luật do Bộ Công an xây dựng, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhấn mạnh: “Có thể nói, đây là các dự án luật mà Quốc hội khóa XIV đã thảo luận nhưng chưa đạt đến sự thống nhất. Bởi vì còn rất nhiều vấn đề còn băn khoăn. Dư luận xã hội còn có nhiều luồng ý kiến đa chiều về vấn đề này. Kỳ này, Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội khóa XV xem xét”.

Theo đó, ĐB Thắng đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần xem xét thấu đáo, lý giải rõ cơ sở, nhất là những điểm mới, những điểm khác so với trước đây trên cơ sở phải thực sự khoa học và thuyết phục cả về cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và nội hàm của các điều luật mới có sự đồng thuận cao ngay trong ĐBQH, dư luận xã hội và người dân.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh: QH

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh: QH

Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, theo ông Thắng dự luật này đã được Quốc hội khóa XIV thảo luận và có nhiều băn khoăn, do “chưa có những đánh giá tác động đầy đủ”.

Ông cũng dẫn quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lập pháp là “đối với những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn, chưa đạt được sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu làm rõ để đề xuất hoặc thực hiện thí điểm”.

“Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội cần cân nhắc có thể cho thực hiện thí điểm việc tổ chức lại lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự cơ sở trước, sau đó chúng ta có đánh giá đầy đủ về tác động, lúc đó mới tính đến việc luật hóa nó thì sẽ bảo đảm chắc chắn hơn và chín chắn hơn” - ĐB Thắng đề nghị.

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa). Ảnh: QH

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa). Ảnh: QH

Liên quan nội dung này, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) bày tỏ quan điểm: “Tôi đồng tình cũng có thể đưa vào, nhưng Chính phủ, Bộ Công an phải khẳng định được rằng: đưa luật này vào thì tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ tốt hơn, sẽ phòng ngừa được tội phạm và làm được nhiều việc có ích hơn.

Luật An toàn giao thông đường bộ cũng vậy, ở chỗ sẽ giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và nhiều vấn đề, ĐBQH nghe rất thuyết phục và khi thuyết phục như thế thì chúng tôi đồng tình, nhưng phải giải trình một cách thấu đáo và rất thuyết phục”.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk). Ảnh: QH

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk). Ảnh: QH

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) thì tán thành bổ sung các dự luật trên vào chương trình làm luật của Quốc hội do có nhiều yếu tố như: đòi hỏi của thực tiễn, phù hợp kinh nghiệm quốc tế, có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị tương đối dài.

“Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây cũng là dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 10 xem xét, cho ý kiến tại Tờ trình số 476. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho bổ sung dự án luật này vào chương trình năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ thứ 5 và thông qua tại kỳ thứ 6” - ĐBQH Xuân nói và dẫn các lý do cần làm dự luật này như phù hợp đường lối chủ trương, phù hợp Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/dbqh-lai-tranh-luan-ve-tach-luat-giao-thong-duong-bo-post734602.html