ĐBQH: Làm sao để người dân không tính tới phải rút BHXH một lần

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, về bản chất, cả hai phương án chỉ thay thế việc rút BHXH một lần bằng nhiều lần. Quan trọng là làm sao để không tính tới phải rút BHXH một lần.

Sáng 23/11/2023, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Rút bảo hiểm xã hội một lần là nội dung được nhiều đại biểu tham gia tranh luận.

Cả hai phương án chỉ thay rút bảo hiểm xã hội một lần bằng nhiều lần

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay, bằng rất nhiều biện pháp, chúng ta đã nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội nhằm giảm số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, con số ấy dường như vẫn chưa "hạ nhiệt".

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.

Theo báo cáo của cơ quan bảo hiểm, số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần với số người lần đầu tham gia bảo hiểm xã hội là tương đương nhau. “Như vậy, mọi nỗ lực mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội của chúng ta dường như là chưa đạt được mục tiêu khi mà vẫn rất nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có đề cập đến việc các quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần và đến thời điểm này, dự thảo luật vẫn đưa ra 2 phương án khác nhau.

Phương án thứ nhất, không cho người dân rút bảo hiểm xã hội một lần với lộ trình thực hiện từ ngày 01/01/2025. Phương án này có ưu điểm là sẽ hạn chế tuyệt đối việc rút bảo hiểm một lần nhưng lại chưa phù hợp với tình hình nội tại của Việt Nam.

Bởi mạng lưới bao phủ bảo hiểm xã hội hiện còn khá mỏng, chúng ta đang muốn mở rộng mạng lưới bao phủ bằng cách phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện với những đối tượng mà chưa có bảo hiểm xã hội. Nếu cơ quan bảo hiểm không cho người dân được rút bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ tác động ngay lập tức đến người tham gia bảo hiểm. Chẳng hạn, có thể họ không tham gia nữa và như vậy, sẽ không mở rộng được độ phủ người dân tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật đưa ra một phương án nữa là đồng ý cho rút bảo hiểm xã hội, nhưng lần đầu tiên chỉ cho rút hơn 50% số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội. Số còn lại 50%, sau một thời gian nhất định, người tham gia bảo hiểm xã hội muốn rút nữa vẫn cho rút theo lộ trình cụ thể.

Như vậy, về bản chất không có gì thay đổi, chỉ thay thế việc rút bảo hiểm xã hội một lần bằng nhiều lần. Cho nên, tôi cho rằng, phải tính toán làm sao để quy định vừa chặt chẽ, vừa tăng được tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện và có nhiều người tự nguyện tham gia. Đồng thời, có những chế tài chặt chẽ, những điều kiện kèm theo khi rút để người dân không tính toán đến chuyện rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, điều quan trọng, theo thống kê, đa phần người rút bảo hiểm xã hội một lần là những người có thu nhập rất thấp, người lao động nghèo và đối tượng cần đến khoản tiền chi tiêu khi không còn khoản nào khác ngoài tiền bảo hiểm xã hội rút một lần.

Cho nên, đại biểu bày tỏ mong muốn, cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống cho người lao động, đặc biệt là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, họ sẽ an tâm hơn, không phải rút bảo hiểm xã hội một lần do sự thúc bách khó khăn trong cuộc sống.

Tránh trục lợi chính sách từ nhiều lần rút bảo hiểm xã hội một lần

Về phương án điều chỉnh số năm đóng bảo hiểm xã hội giảm từ 20 xuống còn 15 năm, có nhiều ý kiến rất e ngại nếu chúng ta giảm thì sẽ mang đến nhiều hệ lụy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí sẽ có những vấn đề mà chúng ta cần phải tính toán.

Theo đại biểu, thời gian đóng bảo hiểm xã hội 15 năm là rất ngắn so với vòng đời và quãng thời gian lao động của con người. Vì vậy, chúng ta phải tính đến phương án có những chế tài tránh việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần xong rồi lại đóng tiếp, hưởng vài lần như vậy, trục lợi chính sách.

Ngoài ra, việc đóng trong khoảng thời gian 15 năm, đối với những người lao động có thu nhập thấp, mức đóng bảo hiểm của họ cũng sẽ thấp, phần lương hưu mà họ được hưởng cũng sẽ giảm rất thấp nên khó đảm bảo cuộc sống.

Tuy nhiên, trong điều kiện tình hình kinh tế xã hội nước ta hiện nay, chúng ta đang hướng đến mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, với người lao động, lương hưu dù thấp nhưng vẫn còn hơn là không có. Bên cạnh lương hưu thì họ còn được hưởng một loạt các quyền lợi khác do bảo hiểm xã hội mang đến. Chính vì vậy, đại biểu vẫn tán thành với phương án giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm.

Tuy nhiên, kèm với đó, đại biểu đề nghị rà soát rất kỹ để có những chế định, điều kiện cụ thể để tránh việc trục lợi chính sách.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y:

Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/chinh-tri/dbqh-lam-sao-de-nguoi-dan-khong-tinh-toi-phai-rut-bhxh-mot-lan-1925452.html