ĐBQH lo miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ gia tăng đất hoang hóa

Chiều 25-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN), ý kiến các ĐBQH còn khá khác nhau.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Trình Quốc hội miễn thuế SDĐNN, đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31-12-2025 để góp phần phát triển “tam nông”. Chính phủ cũng cho rằng, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước, do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với đề xuất của Chính phủ. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng ý đề nghị của Chính phủ nhưng cùng với việc tiếp tục miễn, giảm thuế SDĐNN cũng phải xem xét kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế đúng đối tượng, nâng cao kết quả, hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí.

“Việc miễn, giảm thuế sẽ tác động trực tiếp đến giảm thu ngân sách, nhiều năm qua chúng ta vẫn miễn, giảm thuế nhằm đẩy mạnh phát triển tam nông, do đó, việc giảm, miễn phải đến đúng đối tượng để chính sách đạt được hiệu quả trong mục tiêu đề ra”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương nói.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng tình chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025, nhất là trong bối cảnh hiện nay dịch Covid-19 tác động nặng nề, hạn hán, xâm nhập mặn... ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông dân. Nhưng ĐB lo chính sách này cũng tác động tiêu cực đến một bộ phận nông dân khi để hoang hóa đất nông nghiệp; thu gom đất nông nghiệp để chờ đền bù khi có dự án. Do đó, cần có quy định rõ về vấn đề này. Sau năm 2025, Chính phủ cần đánh giá lại chính sách miễn thuế SDĐNN.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, miễn thuế SDĐNN khi có tác động của dịch Covid-19 thì tán thành, nhưng nếu kéo dài quá thì cần cân nhắc. Bởi nếu miễn thuế gần 10.000 tỷ đồng/năm thì cũng không thể hỗ trợ hết cho mọi nông dân; cũng như không thể điều tiết hành vi sử dụng đất, có thể khiến tình trạng bỏ hoang hóa đất trầm trọng hơn. “Vì không phải nộp thuế nên nhiều người sẽ vẫn giữ đất dù không còn sản xuất, cản trở những người có nhu cầu tích tụ quỹ đất để sản xuất. Điều tiết sử dụng đất bằng thuế là hết sức cần thiết, do đó nếu kéo dài chính sách này sẽ không đạt được mục tiêu là hạn chế tình trạng đất đai bị hoang hóa, lãng phí”, ĐB Hoàng Văn Cường phân tích. Theo ông, chỉ nên miễn thuế có thời hạn, còn lại nên thu thuế đất.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị kéo dài thời gian miễn thuế đến hết ngày 31-12-2030, tức là 10 năm, cùng với đó đánh giá, kiểm kê lại đất nông nghiệp. ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, thực tế nhiều nơi nông dân bỏ hoang đất trong thời gian dài, vì càng làm càng lỗ. Đồng tình miễn thuế nhưng trừ những trường hợp để đất hoang hóa. Thời gian miễn chỉ nên 5 năm, sau đó cần có sự đánh giá, phân hóa, điều tiết lại việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân. ĐB Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị, ở những vùng đất đai khô cằn thì có thể cho dân chuyển đổi mục đích sử dụng như xây hồ chứa nước, làm du lịch... để nông dân đỡ khổ.

Một số ĐB cho rằng, thay vì kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết về miễn thuế SDĐNN, Quốc hội nên có Nghị quyết mới về vấn đề này. Thu 100% thuế đối với đất để hoang hóa không sử dụng sau 12 tháng. Song song đó, cần kiểm kê đất nông nghiệp, đánh giá toàn diện tình trạng để đất hoang hóa.

Giải trình lại ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, các ĐBQH đều nhất trí cao ban hành Nghị quyết này, yêu cầu khi thực hiện phải bảo đảm minh bạch, công khai, không để đất hoang hóa. Theo Bộ trưởng, đất hoang hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau, không phải chỉ do nguyên nhân thuế. Xử lý đất hoang hóa phải theo Luật Đất đai. Từ ý kiến các ĐB, nên kéo dài Nghị quyết hay có Nghị quyết mới, nên miễn 5 năm hay 10 năm… ban soạn thảo sẽ nghiên cứu và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng Bộ trưởng cho rằng, kéo dài 5 năm thì phù hợp hơn.

Bộ trưởng cũng cho biết đang nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng, trong đó có thuế từ đất nông nghiệp.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dbqh-lo-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-se-gia-tang-dat-hoang-hoa-664117.html