ĐBQH: Luật càng giải thích rõ ràng, cụ thể thì mới áp dụng được

Theo ĐBQH Trần Công Phàn, trước đây, khi xây dựng luật, yêu cầu đặt ra là phải chi tiết, nhưng luật chi tiết thì không thể theo kịp cuộc sống hàng ngày.

Đẩy mạnh giải thích và hướng dẫn luật

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) ngày 12/2, tham gia góp ý kiến ĐBQH Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) cho biết, trước đây, khi xây dựng luật, yêu cầu đặt ra là phải chi tiết, nhưng luật chi tiết thì không thể theo kịp cuộc sống hàng ngày được mà cần phải có văn bản hướng dẫn, giải thích.

Vì vậy, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng cần tập trung đầu tư vào việc giải thích và hướng dẫn luật, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

"Luật càng giải thích rõ, càng giải thích tỉ mỉ, chi tiết, càng giải thích cụ thể thì mới áp dụng được", đại biểu Trần Công Phàn nêu rõ.

ĐBQH Trần Công Phàn tham gia góp ý kiến tại tổ.

ĐBQH Trần Công Phàn tham gia góp ý kiến tại tổ.

Theo đại biểu Trần Công Phàn, cần phải đẩy mạnh giải thích luật và quy trình giải thích, hướng dẫn, cùng với đó trách nhiệm của cơ quan được hướng dẫn, giải thích cần phải đẩy mạnh. "Làm sao cho luật thực tế, sinh động, sát với thực tiễn hàng ngày", đại biểu đoàn Bình Dương nói.

Đại biểu cũng tán thành rất cao với phương án về thảo luận và thông qua chương trình xây dựng luật hàng năm giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội rất phù hợp, sát với yêu cầu, đề nghị của các cơ quan trong vấn đề xây dựng luật.

Video: ĐBQH Trần Công Phàn góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

"Nhu cầu làm luật là rất lớn, nhưng thời điểm ấy, năm này luật nào xếp hàng trước, luật nào xếp hàng sau. Thậm chí, có những luật rất cần thiết phải đưa ra để bàn ngay", ông Trần Công Phàn nói và cho rằng cần phải tính.

Bày tỏ trăn trở về quá trình thảo luận và góp ý xây dựng luật tại Quốc hội, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng cần cân nhắc mức độ nội dung và vấn đề được đưa ra thảo luận. Ông nhấn mạnh rằng các đại biểu nên tập trung đóng góp ý kiến vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau, tránh sự trùng lặp để đảm bảo chất lượng thảo luận và hiệu quả xây dựng luật.

Trao đổi thêm với Người Đưa Tin về ý kiến thảo luận tại tổ sáng 12/2, ĐBQH Trần Công Phàn cho rằng có những nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong luật, hạn chế các văn bản dưới luật.

Xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn linh hoạt hơn

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), ĐBQH Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, dự án luật được xây dựng theo nguyên tắc quy định những vấn đề có tính chất nguyên tắc chung, không đi vào cụ thể, chi tiết các vấn đề.

Dự thảo Luật đã bám sát vào Kết luận số 119 Kết luận của Trung ương ngày 20/1/2025 của Bộ Chính trị về yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Dự thảo Luật sửa đổi hiện nay gồm 8 chương, 73 điều, giảm 101 điều so với luật hiện hành. Phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn như quy định về một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật.

Ông Tiến đồng thuận với sự cần thiết sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như Tờ trình của Chính phủ, đó là cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19.

Tuy nhiên, Luật chưa có đủ cơ chế linh hoạt để Chính phủ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội. Việc phản ứng với các chính sách hoặc xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa linh hoạt.

Theo ông Tiến, dự án Luật Ban hành quy phạm pháp luật (sửa đổi) phải bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên.

Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Điều 4), đại biểu Trần Văn Tiến đồng thuận với nội dung như dự thảo Luật là bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã; bổ sung 1 hình thức nghị quyết của Chính phủ; thay đổi từ quyết định sang thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra, ông Tiến cũng đồng thuận với việc rút ngắn xem xét, thông qua các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại 1 kỳ họp hoặc phiên họp. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về các nội dung cần thiết khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đối với các dự án luật và nghị quyết.

Tham gia ý kiến, ĐBQH Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho rằng, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nhiều bước tiến quan trọng trong việc giảm chồng chéo pháp luật, rút ngắn quy trình lập pháp, tăng cường phân quyền và minh bạch hóa chính sách. Cơ chế lấy ý kiến và phản biện được nâng cao, góp phần giảm rủi ro lợi ích nhóm trong quá trình lập pháp. Ứng dụng công nghệ vào công khai pháp luật giúp tăng tính minh bạch.

Tuy nhiên, dự án Luật vẫn còn có những điểm còn hạn chế như: Chưa thực sự đơn giản hóa quy trình lập pháp ở mức tối ưu; thiếu cơ chế xử lý văn bản kém chất lượng, có thể tiếp tục tạo ra bất cập trong thực thi pháp luật.

Để khắc phục những hạn chế trên, đại biểu Khải đề xuất hướng với Ban soạn thảo dự án Luật cần bổ sung quy trình rút gọn linh hoạt hơn để đảm bảo phản ứng nhanh với tình hình thực tế. Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ pháp lý mạnh mẽ hơn, giúp phát hiện nhanh các xung đột pháp luật và nâng cao tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dbqh-luat-cang-giai-thich-ro-rang-cu-the-thi-moi-ap-dung-duoc-204250212183010294.htm