ĐBQH Ma Thị Thúy tham gia một số nội dung dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Sáng 23-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh có bài phát biểu, tham gia vào một số nội dung của dự án luật.
Đại biểu bày tỏ tán thành với nhiều nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, đặc biệt đặt nhiều vấn đề cần được Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ, bổ sung các đánh giá tác động cần thiết để Quốc hội có cơ sở quyết định. Đại biểu tham gia vào các nội dung cụ thể như:
Đối với trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH hướng đến mở rộng BHXH toàn dân, đúng tinh thần Nghị quyết 28. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn việc đưa đối tượng người cao tuổi (từ đủ 75 tuổi trở lên) hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo cách trình bày của Ban soạn thảo. Đại biểu cho rằng, trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH hiện vẫn hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định.
Ngoài ra, về tên gọi “trợ cấp hưu trí xã hội” đối tượng này thực hiện theo điểm a,b,c khoản 5 điều 5 của Nghị định 20 đã có quy định cụ thể chính sách xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đại biểu, chính sách về BHXH là thực hiện theo nguyên tắc “đóng hưởng”, trong khi trợ cấp cho nhóm đối tượng này là hoàn toàn do ngân sách nhà nước chi trả. Vì vậy, cần xem xét quy định trợ cấp hưu trí xã hội vào dự thảo Luật có phù hợp hay không.
Mặc khác, về tên gọi “trợ cấp hưu trí xã hội” cho nhóm đối tượng không phải là hưu trí từ “công chức, viên chức, người lao động” và chưa từng tham gia đóng BHXH nên xem xét cho phù hợp.
Về độ tuổi trợ cấp xã hội, theo quy định hiện nay “Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trợ cấp xã hội hằng tháng. Nay dự thảo luật BHXH sửa đổi lần này thì lại qui định Trợ cấp hưu trí xã hội cho tất cả công dân từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Như vậy sẽ không đồng nhất theo điều 17 trong luật Người cao tuổi 2009.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn đối với quy định người lao động tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Điều 23). Tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi đối với nam (từ năm 2028) và 60 tuổi đối với nữ (từ năm 2035). Thời gian từ lúc nghỉ hưu cho đến đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là 13 và 15 năm.
Nếu số năm tham gia đóng bảo hiểm hưu trí của những người này từ 1 đến dưới 13 năm thì tính trợ cấp hằng tháng như thế nào? Thời gian được hưởng ra làm sao? Trường hợp hết thời gian được hưởng trợ cấp hằng tháng mà vẫn chưa đến tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì giải quyết thế nào?...
Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần có báo cáo làm rõ hơn quy định này về đối tượng, độ tuổi, tên gọi, mức trợ cấp, các chính sách có liên quan, nguồn lực thực hiện và tính liên thông, tính đa tầng với các quy định khác cho phù hợp chung với các nguyên tắc đã nêu trong dự thảo Luật .
Về bổ sung qui định quản lí thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện nhằm xử lí tình trạng trốn đóng BHXH. Đại biểu nhấn mạnh, đã là tự nguyện thì việc đóng BHXH hay không tùy thuộc vào nguyện vọng của người tham gia, không có cơ sở để nói rằng họ trốn đóng BHXH tự nguyện, cho nên không thể qui định quản lí thu, đóng BHXH tự nguyện nhằm xử lí tình trạng trốn đóng BHXH.
Đối với BHXH bắt buộc thì tình trạng trốn đóng còn diễn ra nhiều. Các cơ quan hữu quan đã nhiều lần thảo luận, trao đổi, đưa ra các biện pháp quản lí nhưng hiệu quả vẫn thấp, tình trạng trốn, chậm đóng, nợ đọng kéo dài trong khu vực sản xuất, kinh doanh còn nhiều, không có phương thức giải quyết cơ bản, dứt điểm.
Do đó, cần coi các khoản đóng BHXH bắt buộc như quản lí thu thuế. Hành vi trốn, chậm, nợ đọng BHXH bắt buộc cần được xử lý hình sự theo pháp luật quản lý thuế để không có tình trạng chây ỳ, trốn, chậm đóng, nợ đọng kéo dài.
Về bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, đại biểu cho biết, hiện nay theo qui định tại Thông tư 15/2022 của Bộ tài chính đang quy định mức hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số là 3 triệu đồng, nhưng theo dự thảo luật lại quy định là hỗ trợ 2 triệu đồng cho một con. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa cho phù hợp.
Đồng thời làm rõ, có bao nhiêu đối tượng được hưởng hằng năm và số chi ngân sách nhà nước cụ thể hằng năm thế nào. Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn về Chi phí quản lí BHXH.