ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) góp ý về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

Sáng 28/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Góp ý về khoản 1 Điều 3 Quy định các loại quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Mai Văn Hải cơ bản nhất trí, nhưng cũng đề nghị tiếp tục rà soát lại cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch 2017. Điểm a khoản 1 quy định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia theo Luật 2017. Đại biểu đề nghị xem xét không nên quy định lại, bởi vì Luật Quy hoạch 2017 đã quy định.

Dự thảo Luật quy định ở điểm b, c khoản 1 về Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Quy hoạch đô thị đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới; quy hoạch nông thôn đối với huyện, xã. Trong khi đó Luật Quy hoạch 2017 quy định Quy hoạch đô thị, Quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Vì vậy, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa các Quy hoạch đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia, với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, để tránh chồng chéo giữa các quy hoạch. Đề nghị xem xét quy định mức độ ưu tiên, mối quan hệ trong việc lập các loại Quy hoạch đô thị và nông thôn, nhất là mối quan hệ giữa Quy hoạch nông thôn đối với huyện, xã và quy hoạch đô thị đối với các thị xã, thị trấn, đô thị mới.

Về quy hoạch chung huyện được quy định tại Điều 26: Khoản 4 thời hạn quy hoạch chung huyện từ 20 năm đến 25 năm; khoản 3 Điều 27 quy định thời hạn quy hoạch chung xã từ 10 đến 20 năm. Theo đại biểu Mai Văn Hải cần xem lại thời hạn quy hoạch cho phù hợp bởi Luật Quy hoạch 2017 quy định thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm, tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30-50 năm. Luật Đất đai năm 2024 quy định thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm.

Như vậy, thời kỳ của quy hoạch chung huyện, quy hoạch chung xã không thống nhất với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất, cũng như thời kỳ theo quy định của Luật quy hoạch 2017 dẫn tới việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch chung huyện, quy hoạch chung xã sẽ khó khăn, nhất là việc phân bổ sử dụng đất đai.

Khoản 5 Điều 26 về quy hoạch chung huyện, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy hoạch chung huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung xã, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết khu chức năng.

Điều 37 quy định đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến, đại biểu Mai Văn Hải cơ bản thống nhất với các quy định về lấy ý kiến đối với Quy hoạch đô thị và nông thôn. Song đề nghị cần xem xét rà soát lại các quy định để tránh hình thức, khó khăn cho các cơ quan quản lý lập quy hoạch. Đại biểu đề xuất không nên quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ lập quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch trước khi phê duyệt cần lấy ý kiến các cơ quan tổ chức có liên quan là phù hợp; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư chỉ nên quy định đối với các nội dung của quy hoạch, nội dung quy hoạch lấy ý kiến cộng đồng dân cư để đảm bảo chất lượng hiệu quả, tránh hình thức, thì cũng chỉ nên quy định một số nội dung lớn, quan trọng, then chốt trong quy hoạch để lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Về hình thức lấy ý kiến quy định tại điểm d khoản 2, nên quy định riêng đối với cơ quan Quản lý nhà nước và đối với cộng đồng dân cư. Việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư thì thực hiện theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022, trong đó cần chú trọng hình thức niêm yết, tổ chức hội nghị và đăng tải lên cổng thông tin điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch.

Điều 41, thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và quy hoạch đô thị và nông thôn: Quy định như dự thảo luật, đã có nhiều điểm mới trong thực hiện phân cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Song đại biểu Mai Văn Hải đề nghị tiếp tục rà soát phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cấp tỉnh, cấp huyện. Cụ thể, đề nghị thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I. Quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dự báo tương đương với đô thị loại I, thì nên xem xét giao cho UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và quy hoạch; việc thẩm định cũng nên giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh hoàn toàn chịu trách nhiệm, không phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng, kể cả việc thẩm định đối với quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với huyện, đề nghị phân cấp cho UBND huyện phê duyệt nhiệm vụ và quy hoạch thị trấn và cũng không phải xin ý kiến cơ quan chuyên môn quản lý về quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc UBND tỉnh.

Điểm b khoản 3 Điều 47 quy định đối với các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng, UBND tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định.

Đây là nội dung rất quan trọng đã được xem xét luật hóa từ việc phân cấp cho UBND các tỉnh thực hiện cơ chế thí điểm về quản lý quy hoạch theo các Nghị quyết của Quốc hội XV. Đại biểu Mai Văn Hải hoàn toàn thống nhất nội dung này, song đề nghị nên rà soát để đơn giản hóa trình tự, thủ tục điều chỉnh quy định tại khoản 2 Điều 47 theo hướng tiếp tục rút ngắn thời gian thẩm định, theo đại biểu đề nghị xem xét không phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung điều chỉnh cục bộ, mà chỉ quy định sau khi điều chỉnh thì sẽ thông báo cho Nhân dân biết. Bởi vì, nội dung quy hoạch đã được lấy ý kiến cộng đồng dân cư, hơn nữa nếu một nội dung nhỏ điều chỉnh mà phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư thì sẽ mất nhiều thời gian, có khi chỉ là hình thức, không hiệu quả.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dbqh-mai-van-hai-doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-gop-y-ve-du-an-luat-quy-hoach-do-thi-va-quy-hoach-nong-thon-217988.htm