ĐBQH: Mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân lạc hậu khi giá cả tăng nhanh
Thảo luận tại hội trường sáng 29/5, đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh giá hàng hóa thiết yếu tăng nhanh, tiền lương cũng sắp điều chỉnh tăng, càng làm bộc lộ những bất cập của chính sách giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường 3 nội dung về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Về vấn đề liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng; đối với mỗi một người phụ thuộc là 4,4 triệu/tháng. Theo đại biểu, mức giảm trừ gia cảnh này quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm. Theo đó, đại biểu phân tích ở 4 khía cạnh:
Thứ nhất, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế. Mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020. Trong khi 5 năm vừa qua, nhiều mặt hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có những hàng hóa dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn cả tăng thu nhập. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17 %; giá lương thực tăng 27 %; giá xăng tăng tới 105%.
Đại biểu cho biết, nếu gia đình có con nhỏ phải thuê người trông, riêng tiền lương người trông trẻ không dưới 5 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Nếu như gia đình có con cái đi học, chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình. Do đó quy định về mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh thực tế cuộc sống.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, người dân sẽ rơi vào cảnh phải thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu như phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua quy định Luật thuế thu nhập cá nhân như đề xuất.
Thứ hai, sự bất hợp lý trong tính theo rổ hàng hóa CPI theo quy định tại Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Mới đây, đại diện Bộ Tài chính cho biết chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh bởi vì biến động CPI chưa đến 20%. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nhiều chuyên gia và các cử tri cho rằng Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành lấy tiêu chí là biến động CPI trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý. Trong khi, các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ khoảng trên 20 mặt hàng.
Thứ ba, về quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phù hợp với điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như ở nước ta. Bởi vì quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Cho nên phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu.
Thứ tư, lương tăng, nhưng thuế thu nhập và mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến bất cập. Theo kế hoạch từ 1/7/2024, sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương dự kiến là mức lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khá nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, lương tăng thì đồng nghĩa với việc thu nhập tính thuế sẽ tăng. Đại biểu kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình Luật thuế thu nhập cá nhân vào cuối tháng 10/2024, trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025.
Video: Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, thảo luận