ĐBQH: Nếu vì quá tải, tránh oan sai mà lập phòng giám định hình sự thuộc Viện Kiểm sát thì khó thuyết phục
Tranh luận gay gắt về việc nên hay không nên bổ sung quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND TC) khiến nghị trường Quốc hội chiều nay 'nóng rực'.
Chiều 21-5, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau nhất ở dự án này là quy định tại Điều 12 về việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND TC)”.
Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND TC” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12).
Qua thảo luận tại nghị trường, có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. ĐBQH Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc), ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam)… nêu ý kiến tán thành với quy định tại dự thảo luật như nêu trên và cho rằng việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
ĐB Trần Hồng Hà phân tích, từ ngày 1-1-2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng. Từ trước tới nay mới chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải.
Ngược lại, nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung quy định về Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND TC, với lập luận VKSND vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định sẽ khó đảm bảo tính khách quan, làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng...
ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) phân tích, giám định kỹ thuật hình sự là một lĩnh vực chuyên biệt, đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao, quá trình đào tạo cán bộ chuyên sâu. Hơn nữa, triển khai Luật Giám định tư pháp hiện hành từ 2012 đến nay đã đáp ứng được yêu cầu về giám định và sự kịp thời, nhanh chóng trong công tác này.
“Việc bổ sung quy định này, về yêu cầu thực tế là chưa thực sự cần thiết” – bà Xuân nói. Vị ĐBQH này cũng chỉ ra, nếu bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND TC sẽ không phù hợp với quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 về tinh giản biên chế cũng như sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, nếu lấy lý do hiện chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định tư pháp dẫn đến quá tải mà bổ sung vào luật quy định về phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND TC thì “e rằng không phù hợp”.
“Nếu nói vậy thì tại sao chúng ta không thành lập thêm các phòng chuyên môn trong lực lượng Công an” – ông Hồng đặt vấn đề.
Vị ĐBQH là Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng tranh luận lại với ý kiến cho rằng “trung bình thời gian mỗi vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2 - 3 tháng, có vụ 5 tháng mới có kết luận... nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án”.
Theo đó, ông Hồng phân tích, lập luận như vậy là không thỏa đáng. Lý do vì kéo dài thời gian điều tra có nhiều nguyên nhân, từ khởi tố bị án, khởi tố bị can... chứ không chỉ phụ thuộc duy nhất vào kết quả giám định hình sự. Đấy là chưa kể việc lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND TC tuy không xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành song sẽ dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Giơ biển xin tranh luận lại với ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Xuân và ĐB Nguyễn Thanh Hồng, ĐB Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nói: “Câu chuyện ở đây không phải là quá tải mà chưa bao giờ yêu cầu phải tránh oan sai trong hoạt động triển khai truy tố, xét xử đòi hỏi cao như hiện nay”. Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, việc thiết kế một cơ quan giám định tư pháp thuộc VKSND TC xuất phát từ yêu cầu này.
Không tán thành quan điểm của ĐB Nguyễn Mai Bộ, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) lập tức xin tranh luận. Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói: “Quan điểm của ĐB Nguyễn Mai Bộ cho rằng muốn chống oan sai thì phải thành lập 1 phòng giám định của Viện KSND TC, tôi thấy không phù hợp”.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu, nếu vì tránh oan sai như thế thì phải thành lập cơ quan giám định kỹ thuật hình sự thuộc Tòa án nhân dân tối cao (TAND TC) chứ không phải VKSND TC, vì tòa mới là trung tâm của nền tư pháp và quyết định của tòa mới buộc được người đó có tội hay không.
“Từ trước tới nay, VKSND TC đã có bao nhiêu yêu cầu về giám định mà các cơ quan giám định không làm đúng yêu cầu của Viện kiểm sát. Cái này rõ ràng không có. Hơn nữa, theo báo cáo của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, trong 8 năm từ 2012 tới nay, chỉ có 60 vụ việc giám định âm thanh, tiếng nói, trung bình 1 năm chỉ có 8 vụ thôi” – Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu phân tích.
Vị ĐB này nói thêm, nền tư pháp ngày càng phát triển thì vấn đề oan sai ngày càng giảm đi chứ không phải ghi âm, ghi hình là phát hiện ra nhiều oan sai. Do đó, vấn đề này cần được xem xét cẩn trọng.