ĐBQH: Ngân hàng hãy nghĩ đến tín nghĩa với doanh nghiệp lúc khó khăn
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, doanh nghiệp lúc này rất cần sự hỗ trợ của vốn tín dụng từ ngân hàng, thể hiện sự tín nghĩa, đồng hành trong lúc khó khăn.
Khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp mới đây của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, 2 khó khăn chính là về thiếu đơn hàng (59%) và khó tiếp cận vốn vay (51%).
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng các doanh nghiệp đang phải chịu nhiều áp lực, khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp phải bán tài sản với giá rẻ để duy trì dòng tiền.
Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng vốn tín dụng từ ngân hàng vẫn đóng vai trò rất quan trọng với doanh nghiệp. Tuy vậy, việc tiếp cận lúc này không hề đơn giản vì phải đáp ứng quá nhiều điều kiện. Ông Huân đang là Phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam. Với nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường, ông cho rằng lúc này rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các ngân hàng với doanh nghiệp.
Khoanh vùng doanh nghiệp để hỗ trợ lúc khó khăn
“Nhiều doanh nghiệp trước kia rất ổn định nhưng bây giờ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thị trường, dịch bệnh, bất ổn trên thế giới… Khi họ không thể sản xuất, kinh doanh thì dẫn đến dòng tiền không ổn định. Lúc này vốn không đủ cung cấp là lúc doanh nghiệp cần vốn từ ngân hàng”, ông Huân nói.
Tuy vậy, đại biểu Bình Dương cho rằng lúc này ngân hàng lại rất “ngại” và “sợ” cho doanh nghiệp khó khăn vay vốn vì sợ không trả được, dẫn đến nợ xấu. Điều này dẫn đến ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện cho vay rất khó khăn, yêu cầu thế chấp nhiều tài sản đảm bảo… Khi đó, doanh nghiệp không thể đáp ứng được.
“Doanh nghiệp được ví như bệnh nhân. Khi đang khỏe mạnh thì không cần thuốc. Vừa ốm đau, cần một viên thuốc thì bác sĩ kê đơn bên cạnh bảo chưa chắc sống được. Sau đó cắt thuốc đi và như vậy thì chắc chắn chết. Giống như khi doanh nghiệp cần ngân hàng đồng hành chia sẻ thì không nhận được sự đồng hành”, ông ví von.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, các ngân hàng thương mại lúc này phải phân định ra các nhóm doanh nghiệp khác nhau để hỗ trợ. Với nhóm doanh nghiệp thực sự yếu, có bơm thêm vốn vẫn không thể tồn tại được thì “khoanh vào” một nhóm. Nhóm này có thể không cần hỗ trợ.
Cần khoanh vùng doanh nghiệp không có khả năng cứu vớt, còn những doanh nghiệp khác rất cần sự hỗ trợ.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân
Thứ hai là nhóm các doanh nghiệp còn khả năng cứu vớt thì cần đồng hành, hỗ trợ, giảm bớt các điều kiện cho vay ngặt nghèo. “Đừng nghĩ nhiều câu chuyện lãi suất hay điều kiện. Khi ngân hàng có giảm một chút lãi suất, nhưng nếu biết đâu cho vay nhiều lên, khi doanh nghiệp vượt qua cơn khó khăn, người ra mở rộng thị trường, tăng nhanh doanh thu, người ta là khách hàng trung thành của ngân hàng, sẽ tốt hơn việc tăng thêm một chút lãi suất, cho vay ngắn mà đưa ra đủ điều kiện”, ông nói.
Ông cho rằng lúc này các ngân hàng thương mại cần rất cân nhắc đến sự tín nghĩa, giúp đỡ doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Ông nhấn mạnh không chỉ doanh nghiệp châu Á, các doanh nghiệp châu Âu rất giữ chữ tín, giúp đỡ nhau rất nhiều trong lúc khó khăn.
“Chúng ta nên học hỏi điều đó. Tôi nhấn mạnh là khoanh vùng doanh nghiệp không có khả năng cứu vớt, còn những doanh nghiệp khác rất cần sự hỗ trợ. Trong lúc ngắn hạn mà không có sự sẻ chia, về dài hạn họ sẽ không trung thành với ngân hàng của anh”, ông nói.
Năng lực thẩm định ảnh hưởng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp
Đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một trong những điều kiện vay vốn khó khăn là năng lực thẩm định, thẩm tra cho vay của ngân hàng thương mại không đồng đều. Ông cho rằng mỗi doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau lại có đặc thù riêng. Ví như hồ sơ vay vốn, chiến lược hoạt động của doanh nghiệp ngành da giày khác với doanh nghiệp đồ gỗ hay bất động sản, sản xuất cung cấp nước sạch…
“Liệu ngân hàng có đủ cán bộ thẩm định hiểu được các ngành nghề như vậy hay chưa. Qua thực tế, tôi thấy các ngân hàng thường dùng một người thẩm định cho nhiều lĩnh vực, trong khi khả năng thẩm định có hạn. Nhiều người áp dụng tư duy kinh nghiệm ngành này áp cho ngành kia rất nhiều”, ông nói.
Ngoài ra, cán bộ thẩm định vay vốn của ngân hàng thường lấy tư duy và kinh nghiệm của năm cũ, với bối cảnh cũ, áp cho năm nay, bối cảnh đã thay đổi. Ông lấy ví dụ một số ngành nghề năm ngoái rất phát triển, tăng trưởng cao, nhưng năm nay lại sụt giảm. Cán bộ ngân hàng năm ngoái thẩm định cho lĩnh vực tăng trưởng cao, năm nay không có việc lại chuyển sang cho vay ngành khác, với bối cảnh khác. Cán bộ này lại áp dụng y nguyên cách cũ, với bối cảnh cũ, để áp cho doanh nghiệp cho vay mới, trong bối cảnh mới.
Cần tăng cường lực lượng thẩm định, thẩm tra cho các ngân hàng. Việc tăng cường hỗ trợ và nâng cao năng lực thẩm định của các ngân hàng có ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân
Kết quả là nhiều doanh nghiệp được đánh giá không đủ điều kiện để cho vay. “Mỗi giai đoạn, mỗi ngành có lượng tài sản, tư duy, cách vận hành, khả năng quay vòng vốn khác… Nếu cứ áp dụng cứng nhắc, không hiểu doanh nghiệp thì tôi tin doanh nghiệp không thể đáp ứng”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, về phía ngân hàng, các doanh nghiệp không trả được nợ sẽ làm tăng thêm nợ xấu, thì các ngân hàng cũng bị rủi ro. Khi đó, cán bộ đi thẩm định lại sợ trách nhiệm, lại tiếp diễn câu chuyện cào bằng các điều kiện ngặt nghèo.
“Theo tôi cần tăng cường lực lượng thẩm định, thẩm tra cho các ngân hàng. Riêng các chi nhánh ngân hàng khác nhau đã có năng lực khác nhau, khẩu vị cho vay khác nhau. Việc tăng cường hỗ trợ và nâng cao năng lực thẩm định của các ngân hàng có ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp”, ông nói.
Chú trọng khả năng quay vòng vốn, sinh lời dự án
Nói về room tín dụng, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng cần cởi mở hơn với các doanh nghiệp năng động, sáng tạo, kiểm soát hiệu quả vốn vay, hạn chế được nợ xấu. Ông dẫn ví dụ các ngân hàng quốc tế tránh nợ xấu một cách rất bài bản, chứ không chọn cách siết chặt mọi thứ như ở Việt Nam.
“Người ta thẩm định một dự án tốt, thấy khả năng sinh lời tốt, nhưng chủ đầu tư là doanh nghiệp mới, không có khả năng đối ứng vốn lớn thì họ sẵn sàng giảm tỷ lệ đối ứng xuống, đi kèm một số điều kiện tài chính. Trong khi các ngân hàng Việt Nam rất khác”, ông Huân chia sẻ.
Đại biểu Bình Dương đánh giá nhiều ngân hàng ở Việt Nam không quan tâm triển vọng tốt hay xấu của dự án, chỉ yêu cầu cào bằng vốn đối ứng rất cao mới cho vay. Thậm chí doanh nghiệp ra đời sau phải đối ứng 50%, trong khi cùng một dự án, doanh nghiệp ra đời trước chỉ cần đối ứng 30%.
Ngoài ra, thông thường các ngân hàng nước ngoài cho vay dựa trên tài sản đảm bảo hình thành ở dự án. Nếu không triển khai được dự án thì toàn bộ thuộc về người cho vay. Trong khi nhiều ngân hàng ở Việt Nam đòi hỏi thêm tài sản đảm bảo là cả nhà riêng, xe cộ, tài sản của người thân… Ông đánh giá đây là những điều kiện cho vay rất ngặt nghèo, “trói tay, trói chân các doanh nghiệp”.
“Làm như vậy thì bao nhiêu tài sản dồn hết vào một dự án. Khi dự án có doanh thu và lợi nhuận cũng không giải phóng tài sản. Vậy doanh nghiệp lấy tiền đâu làm các dự án khác”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng đó cũng là lý do chỉ số tiếp cận vốn thấp, khiến nhiều doanh nghiệp không thể lớn được, không thể mở rộng sản xuất kinh doanh. Khác với nhiều doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận vốn thuận lợi, có thể phát triển nhanh chóng.
Theo ông, nếu các thông số, biến số được ngân hàng tính toán và đưa vào một khung cứng nhắc sẽ không phát huy sáng tạo, khuyến khích các chủ doanh nghiệp năng động, sáng tạo, thông minh, có kiến thức… để quản lý dự án một cách hiệu quả. Đó sẽ là một lý do kìm hãm sự phát triển.
“Người ta phải chứng tỏ khả năng quản lý dòng vốn, quay vòng vốn, sinh lời dự án, chứ không phải chứng minh bằng tài sản cá nhân… Cách tiếp cận này phải thay đổi. Thay đổi cách như thế nào thì phải đòi hỏi của ngành ngân hàng”, đại biểu đoàn Bình Dương nói.