ĐBQH NGUYỄN HẢI ANH: MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC, ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI BỀN VỮNG

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp quy định mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là cần thiết, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hướng đến BHXH toàn dân.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (Luật BHXH năm 2014). Qua hơn 07 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia;...

Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự thảo Luật đã bám sát 05 chính sách trọng tâm, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến lần đần về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tiếp cận dự án luật, đại biểu có đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị cũng như hồ sơ dự luật?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Thời gian qua, ngành lao động, thương binh xã hội và ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và đáp ứng được về cơ bản những chế độ, chính sách cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện nay, tính đến tháng 9/2023 chúng ta đang có trên 17,5 triệu người đang tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội. Tuy rằng tỷ lệ này chưa phải là một con số đáng mơ ước, mới là 38,7% nhưng đây cũng là một tỷ lệ rất cao và theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội ở bậc cao trong khu vực. Tôi cũng rất kỳ vọng rằng trong thời gian tới, với việc thảo luận để thông qua Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này có thể khuyến khích nhiều hơn nữa các lực lượng, các đối tượng trong xã hội tham gia vào hệ thống an sinh xã hội để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra, đặc biệt là Nghị quyết số 28-NQ/TW về các chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Bản dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã thể hiện sự cầu thị và đặc biệt là đã tiếp thu rất nhiều ý kiến phản ánh từ các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của cử tri, các chuyên gia,…đồng thời thể hiện sự thể chế rất rõ các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Tôi cũng cơ bản tán thành với mục tiêu, quan điểm sửa đổi luật như Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi phải bảo đảm an sinh xã hội, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lực lượng lao động. Đồng thời, sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Phóng viên: Một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vậy đại biểu có quan điểm như thế nào về nội dung này?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Tôi đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Trong đó, tôi rất quan tâm đến nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đây là nhóm cán bộ, có thể có những người đã nghỉ hưu, có nhiều người còn rất trẻ và qua tiếp xúc cử tri, tất cả những lực lượng hoạt động không chuyên trách ở thôn, xã, ở thôn, ấp, xã, phường, thị trấn đều rất mong muốn được tham gia bảo hiểm xã hội và tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội.

Việc quy định như dự thảo luật sẽ tạo sự động viên rất lớn đối với nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, cần lưu ý riêng đối với nhóm hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thì hiện nay đang hưởng mức hỗ trợ là từ ngân sách của địa phương. Do vậy, cũng cần phải tính toán hợp lý liên quan đến ngân sách địa phương cũng như ngân sách nhà nước khi thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho nhóm đối tượng này để bảo đảm không tạo áp lực lên ngân sách.

Ngoài ra, tôi cũng đồng tình việc bổ sung một số chế độ cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, đặc biệt là chế độ ốm đau, thai sản đồng thời cân nhắc quy định mức hưởng phù hợp. Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động chính sách đối với các nhóm đối tượng liên quan đến các luật, các dự án luật khác như dân quân tự vệ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở,...

Phóng viên: Liên quan đến quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tại dự thảo Luật, Chính phủ đề xuất 02 phương án. Đại biểu có nhận định như thế nào đối với các phương án được nêu tại Tờ trình?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Theo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động trong Hồ sơ dự án Luật, trong 7 năm (từ 2016 - 2022) có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và trong số này đã có khoảng gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 26% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần). Do vậy, tại lần sửa đổi này, quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng là nội dung trọng tâm được quan tâm sửa đổi, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Đối với hai phương án được nêu tại Tờ trình đều có những ưu điểm và nhược điểm. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để đưa ra phương án tối ưu nhất. Trong đó, cần lưu ý quy định phải bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của bảo hiểm xã hội.

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=83142