ĐBQH NGUYỄN PHƯƠNG THỦY: CẦN XEM XÉT MỞ RỘNG PHẠM VI CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH ĐANG CƯ TRÚ TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

Góp ý vào dự thảo Luật Căn cước, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị xem xét mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhằm có cơ chế quản lý một cách có hiệu quả đối với nhóm đối tượng này.

Thực hiện kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Căn cước. Đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình và nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc “bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước

Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH, Điều 30 của dự thảo Luật quy định Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước; việc quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước…; bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đa số ý kiến nhất trí việc cấp giấy chứng nhận cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ và nghiên cứu quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện để xác định và cấp giấy chứng nhận căn cước; quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, giá trị pháp lý của giấy chứng nhận căn cước, cơ quan có thẩm quyền quản lý. Ý kiến khác đề nghị mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả người không có quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, bảo đảm thuận tiện trong công tác quản lý nhà nước đối với đối tượng này và phù hợp quy định của dự thảo Luật. Bên lề hành lang quốc hội, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chia sẻ quan điểm cụ thể:

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn với đề nghị mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy: Theo quan điểm của tôi, dự thảo Luật căn cước nên xem xét mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhằm có cơ chế quản lý một cách có hiệu quả đối với nhóm đối tượng này và tạo điều kiện để họ có thể tham gia các giao dịch dân sự, các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống. Việc xác định người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch sẽ dẫn đến nhiều thủ tục hành chính, những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện do những người này là những người không có giấy tờ, tài liệu chứng minh quốc tịch. Do đó, nếu chỉ cấp căn cước, chứng nhận căn cước cho người gốc Việt không xác định được quốc tịch sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính để xác định xem họ có phải là người gốc Việt hay không. Việc phân biệt người không quốc tịch gốc Việt với những người không quốc tịch còn lại sẽ rất phức tạp, tốn thêm nhiều công sức, chi phí của cả cơ quan Nhà nước và các cá nhân có liên quan. Thêm vào đó công ước của Liên hợp quốc về vị thế của người không quốc tịch năm 1954 đã có quy định là các quốc gia không phân biệt, đối xử đối với những người không quốc tịch, không phân biệt về chủng tộc, tôn giáo hay nguồn gốc quốc gia và người không quốc tịch thì được cấp giấy căn cước, giấy thông hành. Do đó, chúng tôi thấy rằng việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả các đối tượng là người không quốc tịch đang cư trú tại Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, thể hiện tinh thần nhân đạo, phù hợp với các Công ước về quyền con người mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đồng thời cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tạo thuận lợi cho người không quốc tịch yên ổn làm ăn, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, việc không nhấn quá vào yếu tố gốc Việt cũng tránh những vấn đề nhạy cảm, không cần thiết.

Có ý kiến chưa đồng tình với quan điểm của tôi, tuy nhiên, tôi cho rằng việc đưa đối tượng người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch là đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước trong dự thảo luật này chỉ nhằm mục đích để quản lý các thông tin về căn cước để chúng ta thực hiện những yêu cầu về quản lý đối với những người này khi người ta đi lại, cư trú, không phải để thực hiện các chính sách xã hội khác. Do đó, tôi thấy đối với người Việt Nam chúng ta có căn cước công dân và bây giờ là thẻ căn cước, đối với người nước ngoài chúng ta có hộ chiếu, còn với đối tượng người không quốc tịch mà gốc Việt lại không có một giấy tờ gì để quản lý, để ghi nhận việc tồn tại của họ trên lãnh thổ Việt Nam, nên loại đối tượng này ra khỏi phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước thì chưa chưa thực sự hợp lý.

Phóng viên: Trong dự thảo Luật Căn cước trình Quốc hội tại kỳ họp lần này có quy định phải cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính, tên đơn vị hành chính. Theo đại biểu, quy định này đã thực sự hợp lý hay chưa?

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy: Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đang triển khai việc rà soát để xây dựng các phương án về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt yêu cầu tiêu chuẩn về diện tích, về dân số và số lượng các đơn vị thuộc diện sẽ phải sắp xếp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 rất là lớn. Do đó, nếu bổ sung quy định như tại điểm d khoản 1 Điều 24 của dự thảo luật sẽ dẫn đến số lượng người cần thực hiện đổi thẻ căn cước là cực kỳ lớn, tạo gánh nặng chi phí rất lớn. Hơn nữa, tại khoản 1 Điều 21 Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cũng quy định các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết hạn theo quy định vẫn tiếp tục được sử dụng. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc quy định này để tránh việc lãng phí và thêm những gánh nặng không cần thiết cho bộ máy hành chính.

Tôi cho rằng, thông tin về nơi cư trú của công dân là một yếu tố rất động và trong dự thảo thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước tại Điều 18 đã quy định khi thay đổi nơi cư trú, người dân cũng không phải thực hiện việc cấp, đổi lại thẻ căn cước. Vậy tại sao khi thay đổi những thông tin liên quan đến nơi cư trú, về tên đơn vị hành chính thì lại thực hiện cấp, đổi lại một cách đồng bộ như thế? Theo tôi, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được, bởi vì theo quy định tại Điều 26 của Luật Cư trú, trường hợp có sự thay đổi về địa chỉ nơi cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính hay tên đơn vị hành chính, tên đường phố, tổ dân phố, thôn, xóm thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh các thông tin này trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các thông tin về nơi cư trú này hoàn toàn có thể truy cập qua mã QR trên thẻ căn cước cũng như trên định danh điện tử VNeID rất dễ dàng. Giải pháp đơn giản nhất là chúng ta bỏ thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước, những thông tin này sẽ được sử dụng thông qua căn cước điện tử, thông qua các cơ sở dữ liệu.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81368