ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CÂN NHẮC THÍ ĐIỂM QUY ĐỊNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀ CHỦ ĐẦU TƯ NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ LƯU TRÚ CÔNG NHÂN

Đánh giá các dự án Luật xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 đã cơ bản được tiếp thu, giải trình một cách hợp lý, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị các cơ quan cần tiếp tục rà soát một số nội dung, đặc biệt là cân nhắc thí điểm quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: ĐỀ NGHỊ TIẾP THU, GIẢI TRÌNH NỘI DUNG VỀ ĐẤT ĐAI CHO TÔN GIÁO, VĂN HÓA, GIÁO DỤC

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: DIỄN ĐÀN NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2023 - CƠ SỞ QUAN TRỌNG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VỀ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào 8 dự án luật. Đó là các dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi).

Các dự án Luật cơ bản được tiếp thu, giải trình một cách hợp lý

Phóng viên: Là đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, bà có đánh giá như thế nào về chất lượng của các dự án Luật đến thời điểm hiện tại? Các góp ý của bà về các dự án Luật này tại kỳ họp thứ 5 đã được tiếp thu đầy đủ hay chưa?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Có thể nói những dự án luật được xem xét cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 lần này đều là những dự án Luật phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cả trong các đại biểu quốc hội lẫn các chuyên gia, các nhà khoa học.

Các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4

Các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4

Qua nghiên cứu trực tiếp tài liệu trình Hội nghị, tôi nhận thấy cả cơ quan soạn thảo lẫn cơ quan chủ trì thẩm tra đều đã rất tích cực trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội đóng góp tại Kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV. Bởi thế, các dự thảo luật đã được chỉnh sửa, tiếp thu tương đối nghiêm túc, hợp lý. Tuy nhiên, trong hầu hết các luật trình tại hội nghị lần này vẫn còn nhiều điều khoản có nhiều ý kiến khác nhau, tiếp tục được đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Với những dự án Luật tôi đã có ý kiến đóng góp từ Kỳ họp 5, về cơ bản ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu hoặc giải trình một cách đầy đủ và hợp lý.

Rà soát, tiếp thu các nội dung trọng yếu về đất đai cho văn hóa, tôn giáo, giáo dục…

Phóng viên: Trong 8 dự thảo Luật được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị, bà quan tâm đến những dự án Luật nào? Bà có góp ý cụ thể gì dự án Luật đó?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Một trong những dự án Luật tôi quan tâm nhất là Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một bộ luật đồ sộ, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác. Pháp luật về đất đai đang có nhiều chồng chéo và vướng mắc, nên khi xây dựng luật Đất đai (sửa đổi) cần thực sự cẩn trọng, rà soát những vấn đề đang chồng chéo, đang là điểm nghẽn trong thực tế để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Với Luật đất đai (sửa đổi), tôi đã đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ một số khái niệm còn chưa được quy định một cách đầy đủ, sáng rõ trong dự thảo; và xem xét sửa đổi một số vướng mắc trong thực tế các địa phương đang gặp phải (nhất là vấn đề xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai).

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga tại Hội nghị

Đặc biệt, tôi nhận thấy trong dự án luật chưa tiếp thu, giải trình nhiều nội dung trọng yếu về đất di sản văn hóa, đất tôn giáo, đất dành cho giáo dục… mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nêu rất cụ thể trong báo cáo tham gia thẩm tra của Ủy ban. Đây là những nội dung quan trọng, đang có nhiều vướng mắc, nếu không cẩn trọng xem xét để quy định trong luật thì rất dễ xảy ra phức tạp. Nên tôi đã đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp tục xem xét những nội dung này.

Cân nhắc thí điểm quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân

Phóng viên: Việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là nội dung được bà cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác quan tâm góp ý đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Bà có thể phân tích kỹ hơn các lý do về quan điểm của mình?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Đây là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong các đại biểu Quốc hội và cả trong dư luận xã hội đối với dự án Luật Nhà ở (Sửa đổi). Quan điểm của tôi là ủng hộ việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư mảng nhà ở dành cho công nhân. Bởi những lý do sau:

Thứ nhất, quy định như vậy đúng với chức năng, nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong đó có thể hiểu nhu cầu về nhà ở của công nhân là một trong những nhu cầu thiết yếu, bức xúc nhất hiện nay, mà chưa được đáp ứng một cách hợp lý. Có được nơi ở phù hợp là một trong những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Tổ chức công đoàn chăm lo đến nội dung này là hợp lý

Thứ hai, tổ chức Công đoàn là một hệ thống xuyên suốt từ trung ương (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) đến cơ sở (các Công đoàn) cho nên sẽ có ưu thế trong việc khảo sát nắm bắt nhu cầu về nhà ở công nhân một cách sát thực nhất. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở xã hội dành cho công nhân), nhưng chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là việc "cung" và "cầu" chưa thực sự gặp nhau. Có những dự án hoàn thành nhưng số công nhân tiếp cận được rất ít (do không có nhu cầu, do nhà ở chưa phù hợp với đối tượng công nhân cả về giá cả, vị trí địa lý, thiết kế, công năng...). Có những nơi công nhân tập trung đông nhưng số lượng các dự án nhà ở công nhân còn quá ít ỏi, khiến cho phần đông công nhân đều rất long đong, thậm chí khổ sở trong việc tìm cho mình một chốn "an cư" phù hợp.

Tuy nhiên, những ý kiến chưa đồng thuận việc này cũng nêu ra quan điểm thực sự cần nghiên cứu: tổ chức Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có đủ năng lực, nhân sự để làm chủ dự án các công trình nhà ở công nhân không? Quản lý nhiều dự án xây dựng lớn hoàn toàn không phải chuyện đơn giản khi số tiền thực hiện dự án lớn, liên quan đến nhiều quy định tài chính chặt chẽ và phức tạp...

Cho nên, tôi cũng đề nghị trước khi quy định nội dung này trong luật cần có sự đánh giá tác động một cách khách quan, thận trọng. Nên tổ chức thí điểm một thời gian để đánh giá thực tế trước khi quy định trong Luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=79506