ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: KỲ VỌNG PHIÊN THẢO LUẬN KT-XH SẼ PHÂN TÍCH SÂU THÀNH TỰU, NHẬN DIỆN RÕ HẠN CHẾ, ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP KHẢ THI TRONG 3 THÁNG CUỐI NĂM VÀ NĂM 2024

Từ chiều mai (31/10), Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện KT-XH. Trao đổi trước thềm phiên họp quan trọng này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tin tưởng những thành tựu KT-XH, những hạn chế, yếu kém sẽ được nhận diện rõ ràng và phân tích sâu hơn.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, từ chiều mai (31/10), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Trước thềm phiên họp quan trọng này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương để trao đổi xoay quanh nội dung này. Đại biểu bày tỏ kỳ vọng các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, đóng góp với Chính phủ các giải pháp khả thi nhất, hiệu quả nhất trong phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm và cả năm 2024.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Cần quyết liệt, tập trung cao độ để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra

Phóng viên: Chiều mai (31/10), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường để đánh giá về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội và dành 1,5 ngày để thảo luận về nội dung quan trọng này. Qua báo cáo của Chính phủ tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, đại biểu đánh giá thế nào về những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Năm 2023 vẫn tiếp tục được đánh giá là một năm đầy thử thách đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Bức tranh kinh tế toàn cầu chưa có nhiều điểm sáng, trong khi căng thẳng địa chính trị và xung đột quân sự giữa một số quốc gia càng trở nên gay gắt. Thiên tai, dich bệnh và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và bất thường...

Tất cả những điều đó tác động rất xấu đến nền kinh tế toàn cầu. Là một nền kinh tế có độ mở cao, đương nhiên Việt Nam không tránh khỏi những tác động tiêu cực đó. Ngoài ra, còn những điều yếu kém tồn tại trong nội tại nền kinh tế cũng như một số tác động bởi các nguyên nhân khách quan trong nước khiến việc phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo sáng suốt và vững vàng của Đảng, sự chủ động, tích cực và linh hoạt của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những kết quả tương đối tích cực: GDP 9 tháng đầu năm 4,24%, chỉ số CPI tăng 3,16%, khu vực dịch vụ phục hồi nhanh, các dự án trọng điểm đang được quan tâm chỉ đạo triển khai....

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, song trước những bộn bề khó khăn, chúng ta có 5/15 chỉ tiêu ước không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong cả năm (trong đó có tăng trưởng GDP, GDP đầu người, tỷ trọng công nghiệp trong chế biến, chế tạo...), đều là những chỉ tiêu "xương sống" của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế theo đà giảm tốc đáng kể; xuất nhập khẩu còn gặp quá nhiều khó khăn; hoạt động của doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi bền vững; số doanh nghiệp phá sản, giải thể tăng cao.

Bên cạnh đó, một số điểm nghẽn của nền kinh tế còn chưa được tháo gỡ hiệu quả (như chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; chậm lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 -2030; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm...); cải cách hành chính chưa đạt kết quả như kỳ vọng…

Nhiệm vụ còn lại của 3 tháng cuối năm là tương đối nặng nề, đặc biệt năm 2023 chính là năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, đòi hỏi chúng ta cần thực sự quyết liệt, tập trung cao độ năng lực và các nguồn lực cộng với quyết tâm cao để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Đóng góp với Chính phủ các giải pháp khả thi nhất, hiệu quả nhất

Phóng viên: Về những tồn tại, hạn chế và các giải pháp mà báo cáo của Chính phủ đã nêu, đại biểu có kiến nghị gì để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó và đánh giá thế nào về các giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi hoàn toàn nhất trí với những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong Báo cáo; trong đó cần tập trung vào các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đặc biệt chú trọng việc giải ngân vốn đầu tư công (hiện vẫn đang rất chậm chạp và là điểm nghẽn của phát triển kinh tế); quan tâm đến các dự án, công trình trọng điểm.

Cùng với đó, tôi muốn nhấn mạnh hơn nữa vào giải pháp con người. Có nhiều sự chậm trễ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ công chức, đến đạo đức công vụ. Báo cáo cũng đã đề cập đến hiện tượng ngại khó, ngại khổ, né tránh trách nhiệm của đội ngũ này. Đây cũng là rào cản trong việc thục thi công vụ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Phóng viên: Đại biểu bày tỏ kỳ vọng gì về việc Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội và phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri và Nhân dân cả nước?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước, bởi nhiều vấn đề quan trọng được đặt ra, phân tích; nhiều giải pháp được đề xuất, nhiều chính sách được phản hồi… Các đại biểu Quốc hội cũng luôn dành nhiều tâm sức để nghiên cứu các báo cáo, thảo luận tại hội trường.

Tôi hy vọng rằng, qua việc Quốc hội dành 1,5 ngày để thảo luận về nội dung này, những thành tựu kinh tế - xã hội sẽ được ghi nhận và phân tích sâu sắc hơn, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm để đạt được thành tựu; những hạn chế, yếu kém cũng cần được nhận diện rõ ràng hơn, phân tích thẳng thắn trên cơ sở đánh giá trách nhiệm của từng cơ quan.

Và quan trọng nhất là các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, đóng góp với Chính phủ các giải pháp khả thi nhất, hiệu quả nhất trong phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm và cả năm 2024 sao cho những hạn chế được khắc phục, những điểm nghẽn được tháo gỡ và những khó khăn được từng bước được đẩy lùi.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81530