ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: NHÀ Ở XÃ HỘI THIẾU NHƯNG CUNG CHƯA GẶP CẦU

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, số lượng nhà ở xã hội hiện nay rất thiếu nhưng cung chưa gặp cầu, do đó đề nghị cần nghiên cứu, tính toán để đơn giản hóa các thủ tục hành chính và khâu xét duyệt đảm bảo sự chặt chẽ, chính xác về đối tượng. Đồng thời cần có biện pháp để hạ thêm giá thành nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người lao động và phù hợp với thu nhập của họ.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Phóng viên: Quan tâm đến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) mà Quốc hội đang thảo luận, đại biểu quan tâm và băn khoăn quy định nào nhất?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Quan tâm đến dự thảo Luật này, tôi băn khoăn quy định về chính sách nhà ở xã hội. Hiện dự thảo Luật đang quy định các nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực nhà ở thì bắt buộc phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Qua việc đi giám sát, qua tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với các doanh nghiệp và qua khảo sát thực tế, tôi nhận thấy quy định này cần được sửa đổi. Bởi vì nếu chúng ta yêu cầu cứng là mỗi một dự án dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội thì sẽ rất manh mún, thậm chí có những dự án diện tích không lớn mà chúng ta dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội thì tôi cũng cho rằng quy định như vậy chưa hợp lý.

Do đó, tôi đề nghị sửa đổi luật theo hướng: diện tích quỹ đất dành cho nhà ở xã hội thì giao Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, vì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí sẽ tập trung về một đầu mối hơn, giúp tránh được tình trạng manh mún và dàn trải.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, nhà ở xã hội hiện nay thiếu nhưng cung chưa gặp cầu, quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Số lượng mà người dân đủ điều kiện đăng ký để mua được nhà ở xã hội với bên phía chủ đầu tư thì vẫn chưa gặp được nhau.

Thứ nhất là vướng mắc liên quan đến thủ tục hiện nay vẫn còn rất rườm rà, tốn nhiều thời gian, cho nên khi triển khai được nhà ở xã hội thì riêng khâu thủ tục để tính giá đất, chúng ta giao đất không thu tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư cũng rất lâu.

Thứ hai là khi xây xong nhà ở xã hội, khâu xét duyệt liên quan đến rất nhiều các cơ quan khác nhau. Tôi lấy ví dụ như Sở Xây dựng là đầu mối nhưng chúng ta lại phải rà soát xem đối tượng muốn mua nhà ở xã hội có phải là đối tượng có thuế thu nhập phát sinh hay không, vấn đề này lại liên quan đến cơ quan thuế. Thậm chí đối tượng là công nhân từ các địa phương khác đến thì khâu xét duyệt quá lâu.

Chính vì vậy, về phía chủ đầu tư, họ cũng mất rất nhiều thời gian để thu hồi được vốn khi mà chưa bàn giao được nhà cho người lao động. Còn với người lao động là đối tượng được mua nhà ở xã hội, họ có nhu cầu rất cấp thiết về nhà ở nhưng quá trình phê duyệt hồ sơ quá lâu khiến cho cả hai bên cung - cầu đều chưa gặp nhau và cả hai bên đều có những khó khăn, vướng mắc.

Với những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị cần nghiên cứu, tính toán để đơn giản hóa hơn các thủ tục hành và khâu xét duyệt vẫn đảm bảo được sự chặt chẽ, chính xác về đối tượng. Tôi cũng đề nghị cần rà soát để sớm liên thông các dữ liệu giữa các ngành để chúng ta sẽ xét duyệt được nhanh hơn.

Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Phóng viên: Cũng liên quan đến chính sách phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở xã hội (sửa đổi), một số ý kiến bày tỏ băn khoăn hiện nay ai là những người đang ở trong những căn nhà ở xã hội, có phải đúng là đối tượng đạt tiêu chuẩn được mua nhà ở xã hội hay không? Ý kiến của đại biểu về vấn đề này?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi tin chắc rằng nếu như chúng ta có một cuộc tổng điều tra với những căn nhà ở xã hội đã bàn giao bây giờ thì số lượng người ở không đúng đối tượng rất nhiều. Thậm chí tôi biết rằng có những khu nhà ở xã hội mà chưa hoàn thiện, chưa bàn giao hết nhưng đã có rao bán rất nhiều ở trên các trang mạng xã hội, và những đối tượng rao bán nhà ở xã hội thì hoàn toàn không phải là đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Vấn đề này khiến tôi rất băn khoăn là công tác quản lý của chúng ta như thế nào khi chúng ta rất thiếu nhà ở xã hội dành cho những đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng với những đối tượng đấy, có khi nhà ở xã hội lại không đến tay họ mà những đối tượng mua lại là đối tượng khác.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta quản lý như thế nào? Bây giờ tôi thấy hành lang pháp lý tương đối chặt chẽ. Thứ nhất, chúng ta sẽ duyệt hồ sơ; thứ hai, về nhu cầu ở, phải trải qua một thời gian nhất định thì mới có thể sang tên đổi chủ, nhưng tại sao hiện nay vẫn có những người rao bán nhà ở xã hội rất nhiều trên các mạng xã hội.

Vì vậy, tôi đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng, tránh sự trục lợi ở đây. Bởi vì rõ ràng giá bán của nhà ở xã hội sẽ thấp hơn nhà ở thương mại rất nhiều, vậy mà không đến tay được với người lao động có thu nhập thấp mà đây lại là cơ hội để cho các đối tượng khác đầu cơ.

Do đó, tôi cũng đề nghị cần rà soát hành lang pháp lý làm sao cho thực sự chặt chẽ, xem chế tài đã đủ mạnh hay chưa và công tác hậu kiểm như thế nào? Quy định về công tác xét duyệt hồ sơ đã có nhưng chúng ta tiến hành ra sao? Tôi cho rằng, đây là những vấn đề cần được xem xét tổng thể.

Còn nếu chúng ta không khắc phục được mà vẫn để tình trạng này xảy ra thì tôi tin chắc rằng, chúng ta có xây bao nhiêu nhà ở xã hội chăng nữa thì cũng không đáp ứng được nhu cầu. Bởi vì vẫn còn tình trạng người ở trong nhà ở xã hội nhưng không phải là đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Phóng viên: Vậy đại biểu đề xuất giải pháp nào cho tình trạng 26.000 căn nhà ở xã hội hiện nay không tiêu thụ được?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Qua công tác giám sát, qua những buổi tiếp xúc cử tri trực tiếp với các đối tượng là người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội cũng như chủ đầu tư, tôi thấy rằng, chúng ta đã có những quy định để rà soát đối tượng, nhưng những quy định này để thực hiện được thì mất rất nhiều thời gian.

Tôi lấy ví dụ, bây giờ Sở Xây dựng là đầu mối chính để nhận hồ sơ nhưng phải có sự phối hợp với các cơ quan khác như Sở Tài nguyên và Môi trường hay là Tổng Cục thuế. Mỗi năm lại có thời điểm để rà soát thuế khác nhau và chỉ có thời điểm đó. Cho nên hồ sơ của người lao động, người mua nhà ở xã hội không được rà soát kịp thời.

Thứ hai là vướng mắc khi những người lao động từ tỉnh ngoài đến một tỉnh khác để làm cho một công ty, nhưng trong quá trình rà soát thu nhập, rà soát thuế rồi rà soát xem họ đã sở hữu nhà ở hay không lại liên quan đến các địa phận hành chính khác nhau. Khi chưa liên thông được tất cả các dữ liệu quốc gia thì chúng ta khai thác rất khó, do đó vẫn còn vướng mắc về thủ tục.

Theo phản ánh của những người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, giá nhà ở xã hội hiện nay so với thu nhập của họ vẫn còn cao. Cho nên người dân nói rằng, giá nhà ở xã hội hiện nay mặc dù thấp hơn so với nhà thương mại, nhưng so với thu nhập của người dân vẫn còn cao. Tôi thấy rằng, nhiều khi đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng họ hoàn toàn không có tiền để mua, nhìn chung gặp rất khó khăn.

Vì vậy, bây giờ điều quan trọng hơn cả, tôi cho rằng, bên cạnh việc tăng cường diện tích nhà ở xã hội thì cần phải rà soát toàn bộ khâu thủ tục và khâu quản lý. Hơn nữa, chúng ta phải có những biện pháp để hạ thêm giá thành của nhà ở xã hội. Vì hiện nay so với mặt bằng chung, thu nhập chung, đặc biệt đối với tầng lớp dân nghèo thành thị và tầng lớp công nhân, giá nhà ở xã hội cũng vẫn còn cao so với thu nhập của họ./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=77130