ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: QUỐC HỘI LUÔN KỊP THỜI THÁO GỠ NHỮNG 'NÚT THẮT' QUA CÔNG TÁC LẬP PHÁP, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, với tinh thần tích cực, chủ động, Quốc hội luôn kịp thời tháo gỡ những 'nút thắt' qua công tác lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương kỳ vọng trong kỳ họp thứ 5 sắp tới, tinh thần này sẽ tiếp tục được phát huy một cách hiệu quả.
Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về những kết quả nổi bật trong hoạt động lập pháp kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, đặc biệt là tinh thần chuẩn bị "từ sớm, từ xa", tiết kiệm thời gian, khẩn trương vào cuộc với những vấn đề cấp thiết, cần thiết của đất nước?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Rõ ràng, lập pháp là một trong ba chức năng chính của Quốc hội (lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước). Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay (tháng 4/2023), Quốc hội đã tổ chức 4 kỳ họp thông thường, 4 kỳ họp bất thường và đang chuẩn bị cho kỳ họp thông thường thứ 5 sắp tới.
Tôi đánh giá cao tinh thần tích cực, khẩn trương của Quốc hội khóa này trước khối lượng đồ sộ của các công việc tại mỗi kỳ họp. Trung bình mỗi Kỳ họp, Quốc hội đều xem xét cho ý kiến và thông qua nhiều dự án luật, khoảng từ 6 đến 12 dự án luật mỗi kỳ họp; trong đó, có nhiều dự án luật lớn, có tác động nhiều chiều, nhiều mặt đến đời sống xã hội, trong quá trình thực thi phát sinh nhiều vướng mắc đòi hỏi phải sửa đổi khẩn trương song phải xem xét qua nhiều kỳ họp, như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hay dự thảo Luật Đất (đai sửa đổi).
Quốc hội đã rất kịp thời tháo gỡ những "nút thắt" trong quá trình thực thi pháp luật qua công tác lập pháp. Ví dụ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần 2 với rất nhiều điểm mới như quy định về cơ chế tự chủ của các bệnh viện, quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia, về xã hội hóa trong công tác khám bệnh chữa bệnh... đã thực sự gỡ khó cho ngành y tế, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển mới của ngành y tế trong thời gian tới.
Hoặc với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - một luật lớn với tính chất chuyên ngành sâu, có liên quan đến hơn 100 luật khác nhau, có tác động, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã được Quốc hội rà soát và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa này với quy trình xem xét qua 3 kỳ họp. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đang rất tích cực trong việc nghiên cứu, tổ chức các hoạt động đóng góp ý kiến vào dự thảo luật. Với sự tích cực ấy, chắc chắn luật Đất đai sửa đổi khi được thông qua sẽ tháo gỡ được cơ bản những vướng mắc hiện nay để tạo đà phát triển mới cho đất nước
Kết quả nổi bật trong hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ không chỉ nằm ở khối lượng luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua mà còn nằm ở chất lượng xây dựng luật (từ tiến độ, sự tích cực hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đến những sửa đổi cơ bản ở các nội dung còn bất cập, là điểm nghẽn trong quá trình thực thi pháp luật).
Phóng viên: Một trong những chức năng của Quốc hội là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bà có kỳ vọng gì trong giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là nội dung về văn hóa, thông qua các hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là công tác nhân sự được xem xét tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa này, mới tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có lẽ cũng đã đủ để đánh giá là "đặc biệt, chưa có tiền lệ". Bởi lẽ ngoài công tác nhân sự thông thường (bầu các chức danh thuộc thẩm quyền Quốc hội vào đầu nhiệm kỳ của Chính phủ), Quốc hội còn thực hiện miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, miễn nhiệm một số chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu. Tôi và đông đảo cử tri cho rằng đây là sự tích cực và kịp thời của Quốc hội trong công tác nhân sự, vừa đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tế của đất nước.
Tôi kỳ vọng rằng, trong tương lai, gần nhất là trong Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, chủ động, luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Riêng về lĩnh vực văn hóa, từ sau Hội thảo Văn hóa 2022 được Quốc hội tổ chức thành công trong năm qua, tôi nhận thấy bước đầu đã có sự chuyển biến khá tích cực ở mọi cấp, mọi ngành trong nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, trong việc đầu tư các nguồn lực để phát triển văn hóa giai đoạn mới... Tôi mong muốn Quốc hội sẽ tiếp tục có những xem xét, quyết định toàn diện và mạnh mẽ để phát triển văn hóa trở thành nền tảng và động lực để phát triển toàn diện đất nước trong thời gian tới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75207