ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu): Công khai, minh bạch quản lý, điều tiết giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Yến, trước những rủi ro về lạm phát, các yếu tố bên ngoài tác động do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu kiến nghị cần có chính sách kiểm soát chặt,minh bạch quản lý, điều tiết giá xăng dầu,vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa.
Tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáng 1.6, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, năm 2021, trước ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách, quyết định, chuyển chiến lược phòng chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tạo nền tảng quan trọng để phục hồi phát triển kinh tế- xã hội.
Đại biểu nhấn mạnh, năm 2021 nước ta đã đạt được nhiều thành quả khá toàn diện trên các lĩnh vực - Có 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt; nền kinh tế số đóng góp hơn 5% GDP cả nước. Việt Nam được các tổ chức trên thế giới đánh giá chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu, xếp thứ 44/132 quốc gia, dẫn đầu các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp; GDP xếp hạng thứ 41 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế đóng góp lớn cho nền kinh tế toàn cầu và đứng thứ 5 trong nhóm các nền kinh tế lớn khu vực Đông Nam Ắ, được nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức “triển vọng ổn định”.
Trong những tháng đầu năm 2022, trước tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giá dầu và lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Chính phủ đã có nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ, kịp thời bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm nguồn cung. Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,03% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài ấn tượng - tăng trưởng cao 25,2%; thị trường du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn. Đến ngày 6.3.2022, nước ta trở thành một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Tổ chức thành công SeaGame 31, Việt Nam đứng thứ nhất toàn Đoàn, đặc biệt bóng đá nam và nữ đều đạt giải vô địch, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, nhiều chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tiếp lãnh đạo cấp cao của các nước chu đáu và thành công, đã nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là kết quả rất trân trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài. Khi giá cả thế giới tăng, nước ta sẽ bị ảnh hưởng theo. Hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay, không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm… tác động thành chuỗi, dây chuyền khiến các chi phí, dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,1%. Riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021- gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018 đến 2021, tạo “sức ép lạm phát” vào những tháng cuối năm.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu. Điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi phát triển KT-XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó cần phải công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như: xăng dầu, vật tư nông nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri và nhân dân được biết.
Về thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, để tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, một trong những giải pháp quan trọng là phải giải quyết một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư công, thụ tục. Một số án đầu tư công chậm tiến độ, là do vướng mắc về chuyển đổi đất lúa, đất rừng, đền bù giải phóng mặt bằng … do thể chế, chính sách pháp luật còn bất cập. Trong khi đó Nghị quyết 43 của Quốc hội chỉ được áp dụng cho 2 năm 2022 và 2023.
Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết, phát huy mạnh mẽ tinh thần, trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, vì lợi ích chung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đại biểu kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các địa phương quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên, theo phân cấp quản lý, để đạt được mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo.