ĐBQH nhắc tới Hãng Phim truyện Việt Nam đổ nát khi thảo luận sửa Luật Đất đai
Đến Hãng Phim truyện Việt Nam, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đã chứng kiến tận mắt sự đổ nát của một cơ sở hơn 4.000 m2 ở trung tâm Thủ đô. Trong khi đó, các nghệ sĩ của hãng phim từ năm 2018 đến nay không có lương, bảo hiểm.
Sáng 21/6, phát biểu tại hội trường về dự án Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nêu băn khoăn về việc có cách nào để tránh việc chuyển đổi vì mục đích lợi nhuận thuần túy đối với đất đang được sử dụng vào mục đích văn hóa, giáo dục hay không.
Qua thực tế, Đại biểu Quốc hội đoàn Phú Yên thấy rất nhiều đất trường học, đất cơ sở văn hóa được các nhà đầu tư rất quan tâm. Khi chuyển sang mục đích sử dụng khác hoặc đấu giá, những khu đất này thu hút được sự ưu tiên của các nhà đầu tư.
Trong tuần vừa qua, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đến Hãng Phim truyện Việt Nam và đã chứng kiến tận mắt sự đổ nát của một cơ sở hơn 4.000 m2 ở trung tâm Thủ đô. Trong khi đó, các nghệ sĩ của hãng phim từ năm 2018 đến nay không có lương, bảo hiểm.
Theo đại biểu đoàn Phú Yên, các nghệ sĩ ở đây không nói gì về đãi ngộ đối với họ, nhưng họ xót xa cho một hãng phim đến năm nay là 70 năm kỷ niệm thành lập.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho biết, Thủ tướng rất quan tâm vấn đề ở Hãng Phim truyện Việt Nam và đã chỉ đạo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc với các bên để giải quyết dứt điểm. Theo đại biểu, xử lý tồn tại ở Hãng Phim truyện Việt Nam vì lợi ích chung thì đã rõ, nhưng cũng cần phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Nêu ý kiến hoàn thiện dự luật, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, cần có chế định điều chỉnh chênh lệch địa tô cho người sử dụng đất để bảo đảm tính công bằng về mặt lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.
Đại biểu Lê Hữu Trí cũng lưu ý đối với các dự án vừa có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng cũng có mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư thì cần phân định rõ trường hợp nào Nhà nước thu hồi đất và trường hợp nào nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất.
“Trong trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thì cũng cần quy định tỷ lệ diện tích đất còn lại của dự án mà nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất”, đại biểu đoàn Khánh Hòa nói.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị quan tâm tới quy định phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất có chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, theo đại biểu, không phải cứ có nhà to hơn thì được coi là có nơi ở tốt hơn.
Ông cho rằng, nếu cứ hiểu theo nghĩa đen sẽ dẫn đến vướng mắc trong cơ chế đền bù. Theo ông, khi thu hồi đất, cuộc sống sinh kế của người dân bị ảnh hưởng ra sao lại chưa được quan tâm đúng mức.
“Sau thu hồi đất, công việc hàng ngày của họ không có, ảnh hưởng đến cuộc sống, rồi đến lúc nào đó lại phải bán nhà đi chi tiêu, rồi lại trở thành vô gia cư”, ông Huân bày tỏ.