ĐBQH nói gì khi ngành giáo dục thiếu gần 95.000 giáo viên phổ thông và mầm non?

Nhiều Đại biểu Quốc hội lo lắng trước tình trạng ngành giáo dục đang thiếu gần 95.000 giáo viên phổ thông và mầm non.

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đánh giá cao những nỗ lực, tâm huyết và thành quả mà Chính phủ và ngành giáo dục đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Theo Đại biểu Nga, đó là một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt; chuyển đổi kế hoạch học tập, giảng dạy phù hợp với thực tiễn, mở cửa trường đại học kịp thời vừa đảm bảo an toàn, phòng chống dịch, vừa duy trì bảo đảm chất lượng giáo dục.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Hội nghị Văn hóa học đường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị đẩy mạnh văn hóa học đường nhằm đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa trong mỗi nhà trường rất kịp thời và có ý nghĩa. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 105 về chính sách phát triển giáo dục mầm non cũng là một nỗ lực lớn. Chất lượng giáo dục phổ thông cả về đại trà và mũi nhọn tiếp tục được thế giới ghi nhận và xếp thứ hạng cao…

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình).

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình).

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga chỉ ra rằng một số chính sách lớn, văn bản quan trọng như Chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 chưa được ban hành. Qua giám sát và tiếp xúc cử tri, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập. Đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn lực thực hiện, thiếu trường, thiếu phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học. Ngân sách nhà nước mới chủ yếu để chi lương, chi cho hoạt động giáo dục còn thấp, nhiều cơ sở giáo dục chỉ đạt khoảng hơn 10%.

Đặc biệt khó khăn đó là tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục đang thiếu gần 95.000 giáo viên phổ thông và mầm non; một số môn học theo chương trình mới không tuyển được giáo viên. Tình trạng giáo viên nghỉ việc và chuyển việc sau khi đại dịch COVID-19; đời sống của một bộ phận giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó Đại biểu cho rằng cần phải có đánh giá và điều chỉnh chính sách về vấn đề này.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nêu ý kiến: Với đội ngũ hùng hậu (hơn 1,2 triệu giáo viên trên tổng số hơn 1,7 biên chế viên chức cả nước), trong 2,5 năm qua có hơn 14.000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông rời khỏi khu vực công, điều này đặt ra vấn đề cần đánh giá thực chất để có giải pháp phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông).

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông).

Theo Đại biểu Giang, chúng ta đang thực hiện khuyến khích xã hội hóa trong ngành giáo dục, tình trạng giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là bình thường. Điều quan trọng nhất phải đánh giá những người bỏ nghề có tiếp tục làm giáo viên hay không? Việc giáo viên rời từ khu vực công sang khu vực tư đều là phục vụ cho Nhân dân và phù hợp với chủ trương của Đảng, do vậy cần phải đánh giá một cách sát nhất, thực chất nhất để có giải pháp hiệu quả.

Nhóm PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dbqh-noi-gi-khi-nganh-giao-duc-thieu-gan-95000-giao-vien-pho-thong-va-mam-non-169221027115612729.htm