ĐBQH Phạm Văn Thịnh đề xuất giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ngày 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đã phát biểu đề xuất một số kiến nghị về công tác thựchành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh đặt vấn đề, thời gian là thứ quý giá nhất. Lãng phí thời gian là sự mất không của xã hội, khác với lãng phí vật chất. Nhà nước đặt ra pháp luật để quản lý xã hội. Nếu việc thực thi pháp luật chưa được tối ưu thời gian cho các tổ chức, cá nhân thì đó mới chính là sự lãng phí lớn nhất. Vì vậy, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mục tiêu cần làm là phải giảm thời gian để tuân thủ các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trong chính cơ quan Nhà nước cũng như toàn xã hội.

Như vậy sẽ có rất nhiều vấn đề được đặt ra để tiết kiệm, chống lãng phí: Bắt đầu từ việc của công dân như giảm thời gian thực hiện nộp tiền phạt vi phạm, thời gian nộp tiền qua trạm thu phí, thời gian làm thủ tục được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp đến những việc của cơ quan Nhà nước như giảm thời gian thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy…

Đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu, tại các buổi thảo luận tại Tổ đã có đại biểu nhắc đến loại hình lãng phí này. Do đó, đại biểu nêu một vấn đề bản thân cho rằng chúng ta đang lãng phí và có thể cải thiện, khắc phục được, đó chính là những điểm chưa hợp lý trong phân cấp, phân quyền hiện nay.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh thảo luận tại hội trường.

Nhấn mạnh, nhiều đại biểu đã phát biểu trong kỳ họp lần này, đều cho rằng phân cấp hiện nay của chúng ta chưa bảo đảm nguyên tắc: Việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và hiệu quả tốt hơn thì giao cho cấp đó thực hiện theo đúng tinh thần của Chính phủ, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng phân cấp của chúng ta còn chưa đồng bộ, khi việc tổng thể thì giao quyền cho địa phương nhưng những lĩnh vực cụ thể trong đó lại không được phân cấp.

Giải trình của các địa phương chậm giải ngân đầu tư công, hầu hết đều có đề nghị đẩy mạnh phân cấp và nêu ý kiến nếu phân cấp triệt để và đồng bộ, tiến độ triển khai và thực hiện các dự án đầu tư có thể rút ngắn được từ 6 - 12 tháng. Điều đó cho thấy, phân cấp hiện nay không chỉ tạo ra sự lãng phí rất lớn mà ở góc độ nào đó còn làm chậm, mất đi cơ hội phát triển của đất nước.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Quốc hội cùng Chính phủ xem xét ngay trong kỳ họp này nên ban hành một Nghị quyết quy định một số nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp tỉnh. Nếu được vậy, sẽ không chỉ đem lại hiệu quả cao cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà còn bảo đảm kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, phát huy tính chủ động, chịu trách nhiệm của các địa phương, khắc phục tình trạng chậm trễ trong đầu tư công, trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư hiện nay.

Cũng trong phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết, thông qua tiếp xúc cử tri, đại biểu thấy có một số ý kiến hợp lý của cử tri tỉnh Bắc Giang liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xin được chuyển đến Quốc hội và Chính phủ xem xét:

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/2/2022, trong đó các chỉ tiêu sử dụng đất được tính toán phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên, theo Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021-2025) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bắc Giang được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất rất thấp, chỉ đạt khoảng 31% so với chỉ tiêu theo quy hoạch tỉnh, cụ thể:

- Chỉ tiêu chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp chỉ đạt 10.036,5 ha, bằng 31,3% chỉ tiêu quy hoạch.

- Chỉ tiêu đất phi nông nghiệp tăng 10.984 ha, bằng 31,6% quy hoạch, trong đó: Đất khu công nghiệp tăng 2.326 ha, bằng 39% quy hoạch, nếu trừ chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung trong giai đoạn 2016-2020 tại Công văn số 1005/TTg-NN ngày 30/7/2020 thì đất khu công nghiệp của tỉnh chỉ tăng 961,5 ha cho cả giai đoạn 2021-2025.

Quy hoạch sử dụng đất có thời hạn 10 năm, nếu việc chuyển mục đích được thực hiện phần lớn ở 5 năm kỳ đầu thì sẽ cho hiệu quả cao hơn là việc chuyển mục đích được thực hiện chủ yếu ở những năm cuối của kỳ quy hoạch.

Vì vậy, để sớm phát huy hiệu quả của quy hoạch tỉnh, tránh lãng phí về thời gian, mất đi cơ hội phát triển của tỉnh, cử tri Bắc Giang thiết tha kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu theo hướng bằng 65% chỉ tiêu sử dụng đất của quy hoạch tỉnh hoặc cho phép sử dụng trước chỉ tiêu của kỳ sau (2026-2030) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh để thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Đây cũng là kiến nghị của một số địa phương đang triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh. Rất mong Quốc hội và Chính phủ xem xét.

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-hoi/ky-hop-quoc-hoi/384828/dbqh-pham-van-thinh-de-xuat-giai-phap-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi.html