ĐBQH phản ánh công chức lo lắng khi thực hiện lương mới từ 1-7 có thể bị giảm thu nhập

Sáng 23-5, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội, đáng chú ý, một số ý kiến đại biểu tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình trạng cán bộ sợ làm sai, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL...

Phiên thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 23-5

Phiên thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 23-5

ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng, nhiều kỳ họp Quốc hội đã nêu về “tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân”.

Theo ĐB, hiện vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ vẫn có tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ sai, nên không dám làm. “Có những người làm thì khi có thanh tra, kiểm tra rất dễ bị kết luận là có sai sót. Đó là những mâu thuẫn, xung đột mà thực tiễn đang diễn ra, rất cần làm rõ. Muốn thế, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là việc phân cấp cho địa phương, tránh tình trạng thấy quy định đúng rồi, rõ rồi nhưng không làm, mà không thể làm vì căn cứ pháp lý quy định không đồng nhất”, ĐB Luyến nêu.

 ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu sáng 23-5: Ảnh: PHAN THẢO

ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu sáng 23-5: Ảnh: PHAN THẢO

Chung mối quan tâm về vấn đề này, ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cũng cho rằng, cần phân tích, đánh giá sâu hơn về thực trạng một cán bộ, công chưa chưa quyết liệt trong thực thi công vụ, vẫn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm. Đây là vấn đề không mới, nhưng đã kéo dài, nên càng cần có đánh giá kỹ lưỡng.

“Hàng năm chúng ta kỷ luật nhiều cán bộ, công chức, viên chức, vậy trong số này có những người trốn tránh trách nhiệm hay không, nếu có phải xử lý nghiêm thì mới chuyển biến được. Cần định lượng chứ không nên chỉ định tính, vì nếu chỉ đánh giá định tính thì không thể tạo chuyển biến”, ĐB Đồng Ngọc Ba nêu.

Đặc biệt, theo ĐB Đồng Ngọc Ba, cần đánh giá lại chất lượng của hệ thống vị trí việc làm, kết hợp với thực hiện chế độ chính sách tiền lương thì việc thực hiện cải cách tiền lương mới có thể thành công.

“Hiện nhiều cán bộ, công chức lo lắng khi thực hiện lương mới từ 1-7 tới thì có thể thu nhập bị giảm. Hiện nay, ngoài lương thì họ có cả thu nhập khác, nhưng tới đây chỉ có lương theo quy định. Rõ ràng thu nhập thực tế của những vị trí công việc có thể bị giảm. Do đó, cần đánh giá lại thật kỹ lưỡng việc triển khai về vị trí việc làm. Cũng cần làm rõ tại sao hàng năm tinh giản biên chế, nhưng quỹ lương vẫn tăng lên”, ĐB Đồng Ngọc Ba nêu.

Trong buổi thảo luận, rất nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư cho hạ tầng giao thông để tạo động lực phát triển. Theo ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), cần ưu tiên thêm cho phát triển đường cao tốc ở vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL để tạo thêm điều kiện phát triển, “nếu không kẹt xe thì từ TPHCM về Cần Thơ chỉ 2 giờ”.

ĐB Nguyễn Thanh Phương cũng rất lo lắng cho sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thiếu nước ngọt, thời tiết cực đoan. Do đó, ĐB Thanh Phương và một số ĐB cho rằng, phải có phương án trữ nước ngọt cho vùng ĐBSCL để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và tái cơ cấu cây trồng ở vùng ĐBSCL này trong bối cảnh mới hiện nay.

“Cần có phương án để tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp ở vùng này. Chính phủ luôn nói nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế, nhưng đầu tư lại chưa thỏa đáng, nếu không đầu tư thì đến lúc nào đó, nông nghiệp sẽ không còn là trụ đỡ nữa. Cần sớm tìm kiếm các giải pháp công nghệ, kỹ thuật cho sản xuất, chế biến nông nghiệp như các quốc gia đã làm”, ĐB Nguyễn Thanh Phương phát biểu.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dbqh-phan-anh-cong-chuc-lo-lang-khi-thuc-hien-luong-moi-tu-1-7-co-the-bi-giam-thu-nhap-post741230.html