ĐBQH PHAN VĂN XỰNG: RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH BẢO ĐẢM TÍNH TỔNG THỂ, THỐNG NHẤT

Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, sáng ngày 21/6, ĐBQH Phan Văn Xựng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan đến đất quốc phòng, an ninh để bảo đảm tính tổng thể và thống nhất.

ĐBQH Phan Văn Xựng- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

ĐBQH Phan Văn Xựng- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện lấy ý kiến nhân dân từ ngày 03/01/2023 đến ngày 15/3/2023. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng lấy ý kiến như: tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp của các địa phương đại diện cho các vùng, miền có tính đặc thù.

Tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, một số chương, mục, điều của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung. Dự thảo Luật sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, ĐBQH Phan Văn Xựng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Luật, cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội và các ý kiến góp ý của nhân dân…

Quan tâm đến các quy định liên quan đến đất quốc phòng, an ninh, đại biểu Phan Văn Xựng đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung vốn đầu tư quốc gia về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng. Đại biểu cho biết, Điều 6 dự thảo Luật quy định về nội dung quy hoạch, căn cứ lập kế hoạch sử dụng trong quốc phòng, an ninh và nội dung của kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 68 của dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí và quyết định phân định khu vực đất đai ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Phan Văn Xựng cho rằng, dự thảo Luật cơ bản đã quy định đầy đủ các căn cứ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng. Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ hơn, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung nội dung giao Chính phủ là Chính phủ quy định tiêu chí khu vực quản lý nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất văn phòng.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Theo đại biểu Phan Văn Xựng, quy định như vậy để bảo đảm tính tổng thể và thống nhất, bảo đảm tính bao quát ở khu vực, vị trí, diện tích đất có giá trị về quốc phòng, an ninh nhưng chưa nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Đồng thời, quy định như vậy là để ràng buộc về phân định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh tại quy định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ xác định cụ thể các tiêu chí và phân định khu vực hạn chế tiếp cận đất theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh và có quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và công trình quốc phòng ở các vị trí chiến lược quan trọng. Mặt khác, theo đại biểu, đây cũng là dịp giao cho quân đội quản lý đối với đất của Nhà nước khi có yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Đối với các quy định về thu hồi trong quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 80 và Điều 83, đại biểu Phan Văn Xựng cho rằng, để bảo đảm thống nhất trong các quy định, đề nghị dự thảo Luật chỉnh sửa một số nội dung tại Điều 80 và Điều 83 quy định về việc thu hồi mặt đất chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng cần thu hồi ngay để thực hiệ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Phan Văn Xựng cho biết, về trình tự, thủ tục lấy ý kiến, trước tiên Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Chính phủ quyết định đang có sự chưa thống nhất. Cụ thể Khoản 1, Điều 80 quy định trường hợp chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh cần thu hồi ngay để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Chính phủ xem xét. Trong khi đó, quy định ở Khoản 4, Điều 83 lại quy định trường hợp phải thu hồi đất quốc phòng, an ninh bao gồm cả tài sản gắn liền với đất nhưng chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh đã được phê duyệt để thực hiện dự án phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đại biểu Phan Văn Xựng cho rằng, cùng nội dung quy định về thu hồi đất chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh nhưng quy định về thẩm quyền, trình tự thu hồi lại chưa có sự thống nhất. Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung này để đảm bảo tính thống nhất./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=77239