ĐBQH Tạ Thị Yên tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

ĐBP - Sáng 7/4, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại Hà Nội thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

ĐBQH Tạ Thị Yên tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách sáng 7/4/2023.

Tham gia phát biểu ý kiến, đồng chí Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH tỉnh Điện Biên nhận định đây là luật khó, mang tính chất chuyên môn sâu, phức tạp, có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác trong cả nước.

Dự án Luật lần này thực sự đã có nhiều thay đổi nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn để phát huy nguồn lực đất đai, đây là tài nguyên hữu hạn, không tự sinh sôi, nhưng là nguồn lực quan trọng trong giai đoạn phát triển mới.

Đại biểu đánh giá, tài chính về đất đai, giá đất… là một trong những vấn đề khó, để xác định chính xác được giá đất sát với giá trị trường hết sức phức tạp, do bản thân yếu tố thị trường luôn biến động.

Đại biểu đồng tình với nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất được quy định ở Điều 154 Dự thảo Luật, song còn băn khoăn, nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất thì khó có thể có thông tin đầu vào chính xác, đảm bảo nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường bằng và thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành.

Đại biểu đề nghị nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.

Đối với quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cho đây là vấn đề lớn, cần phân tích, làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm. Theo đại biểu, chỉ nên sử dụng một thuật ngữ, một khái niệm “tập trung đất đai” vì đều dẫn đến tăng quy mô diện tích đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp.

Đại biểu lý giải, trong Dự thảo Luật, khoản 2 của cả 2 Điều 187 và 188 đều quy định về “các phương thức tập trung (hay tích tụ) đất nông nghiệp” cũng gần giống nhau, như: dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tại Khoản 3 của cả 2 Điều 187 và 188 đều ghi rõ: Nhà nước khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tập trung hay tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp (riêng với tích tụ thì có thêm quy định với quy mô phù hợp).

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Tạ Thị Yên thống nhất với quy định của Dự thảo Luật và đề nghị làm rõ việc sử dụng ngân sách nhà nước như một phương thức hỗ trợ người dân sau khi di dời, tái định cư có việc làm, thu nhập, điều kiện sống tốt hơn trước, bởi vì Nhà nước sẽ còn thu được ngân sách trong suốt vòng đời của dự án sử dụng những diện tích đất đó từ doanh nghiệp phát triển dự án hay doanh nghiệp sử dụng đất.

Ngoài ra, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi) với hệ thống pháp luật có liên quan, như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các luật về xây dựng, quy hoạch, đấu thầu, kết cấu hạ tầng, quản lý công sản… để có thể vận hành thông suốt trong thực tiễn vì hoạt động kinh tế - xã hội nào cũng liên quan đến đất đai.

Tin, ảnh: Mai Hồng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/204938/dbqh-ta-thi-yen-tham-gia-y-kien-vao-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi