ĐBQH: Thủ đô là trái tim của đất nước, cần có những cơ chế đặc thù

Sáng 28/6, trao đổi với báo chí ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng, Thủ đô là trái tim của đất nước, nên cần phải có những cơ chế hết sức đặc thù.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh):

Thủ đô là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt quốc gia

Tôi ủng hộ tuyệt đối những nội dung của Luật Thủ đô lần này, vì kế thừa Luật Thủ đô trước đây và cập nhật những quy định mới, cơ chế mới áp dụng cho các địa phương cũng được tích tụ các tinh túy đó vào Luật Thủ đô.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) trao đổi với báo chí sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Hồng Thái

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) trao đổi với báo chí sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Hồng Thái

Hầu hết ở các quốc gia đều dành riêng cho Thủ đô một luật, vì Thủ đô là trái tim của đất nước, nên cần phải có những cơ chế hết sức đặc thù. Điều quan trọng hơn, Thủ đô là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt quốc gia, nên những cơ chế, chính sách phải được phân cấp mạnh mẽ cho lãnh đạo Thủ đô để có những quyết sách sớm, cũng như điều chỉnh những bất hợp lý ngay, mà không phải chờ thủ tục xin ý kiến của Chính phủ.

Tôi thấy các nội dung của Luật Thủ đô được thông qua rất toàn diện. Tôi quan tâm nhiều nhất đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy, quản lý đô thị và mở rộng không gian phát triển Thủ đô. Những nội dung phân cấp đó sẽ giúp Thủ đô giảm bớt tắc nghẽn hiện nay về giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học. Khi mở rộng được không gian phát triển, sẽ giảm được mật độ dân số ở khu vực trung tâm.

Điều quan trọng hiện nay là chúng ta phải hỗ trợ Thủ đô hoàn tất hệ thống tuyến đường sắt đô thị trong Thủ đô và mở rộng không gian phía Nam, phía Bắc sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục trung tâm, để Hà Nội trở thành nơi đáng đến và đang thích đến thì giờ người ta phải quay trở lại.

Nhưng phải giữ được không gian văn hóa, nét đẹp riêng có của Thủ đô. Cho nên, tôi vẫn thích Thủ đô có “phố nhỏ, ngõ nhỏ”, khu vực 36 phố cũ chỉ chỉnh trang lại, phải lưu giữ được hồn cốt của Thủ đô. Phải giữ cho được trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa ngàn năm văn hiến, nét đẹp văn hóa của Thủ đô là quan trọng nhất.

Hiện đã có kế hoạch mở rộng tới 5 không gian phát triển đô thị, ngoài đô thị trung tâm có 4 đô thị vệ tinh, vấn đề là kết nối hạ tầng để mở rộng. Muốn kết nối hạ tầng phải có nguồn lực và phải có phân cấp thì mới làm nhanh được. Cho nên Luật Thủ đô phải đẩy mạnh phân cấp để làm nhanh.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) trao đổi với báo chí sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Hồng Thái

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) trao đổi với báo chí sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Hồng Thái

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội):

Các đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt đến sự phát triển chung của Thủ đô

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua với số phiếu rất cao, chứng tỏ các đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt đến sự phát triển chung của Thủ đô cũng như sự phát triển chung của đất nước. Chúng ta biết được rằng, các khuôn khổ pháp lý của Luật Thủ đô hiện hành không còn phù hợp với xu thế phát triển đất nước, chính vì thế chúng ta đã sửa đổi Luật Thủ đô, tạo ra hành lang pháp lý phù hợp hơn, thuận lợi hơn cho sự phát triển không chỉ riêng cho Thủ đô mà còn cho cả đất nước.

Chúng ta đều biết, Thủ đô là trung tâm về chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước và khi Thủ đô dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước thì đất nước sẽ phát triển bền vững, đạt được những mục tiêu mà chúng ta đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Một trong những điều tôi đánh giá rất là cao, rất tích cực trong Luật Thủ đô lần này, đó là những quy định về văn hóa. Hà Nội luôn tự hào là Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. Chính vì thế, những điều khoản tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa Thủ đô cũng tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hóa đất nước và trong Luật Thủ đô lần này, chúng ta có rất nhiều quy định liên quan đến văn hóa.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó, chúng ta tạo ra những thuận lợi để cho lĩnh vực văn hóa có được những bước phát triển mới.

Tôi đánh giá rất cao các điều khoản, trong đó thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội. Chúng ta đều biết, Thủ đô rất quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta có Nghị quyết 09-NQ/TU về việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô và để cho vấn đề quan tâm này đi vào thực tiễn cuộc sống thì những điều khoản liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô thực sự sẽ giúp cho những quan điểm, chủ trương của chúng ta được thực hiện tốt hơn.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) trao đổi với báo chí sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Hồng Thái

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) trao đổi với báo chí sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Hồng Thái

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội):

Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước

Luật Thủ đô là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Như vậy, trước hết, một trong những vấn đề cốt lõi trong Luật Thủ đô là các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; quan trọng nhất là phát huy được truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến và Thủ đô văn minh, hiện đại.

Cùng đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã luật hóa các nội dung về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính của các địa phương, từ thành phố đến các quận, các phường, từ đó có cơ chế ủy quyền, phân cấp, giúp cấp ủy và chính quyền thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế.

Thủ đô Hà Nội đã được chứng minh một trong những trung tâm thu hút nhân tài, các nhà khoa học của cả nước. Luật Thủ đô đã dành sự quan tâm đặc biệt, trong đó xác định vấn đề xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đội ngũ khoa học là hết sức quan trọng, thậm chí là cơ chế quyết định để phát triển và nâng tầm Thủ đô.

Tôi cho rằng, Thủ đô với truyền thống, kinh nghiệm đã thu hút nhân tài, các nhà khoa học trước đây thì với chính sách mới, với những cơ sở pháp lý mới sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế và Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tài. Từ đó, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương có đầy đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa” để phát huy tốt các nhà khoa học. Đây là một trong những yếu tố, tác nhân hết sức quan trọng để phát triển Thủ đô thời gian tới.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định đổi mới các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư. Trong đó, việc đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội cũng là cơ sở để thành phố có môi trường, điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, các nhà khoa học trong vấn đề góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dbqh-thu-do-la-trai-tim-cua-dat-nuoc-can-co-nhung-co-che-dac-thu.html