ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tích cực góp ý các dự thảo luật về tư pháp

BBK- Chiều 08/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thảo luận tổ về 3 dự án luật gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

 Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ thảo luận số 11.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ thảo luận số 11.

Phiên thảo luận tại Tổ 11 do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì, với sự tham gia của các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Long An, Sơn La, Vĩnh Long.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Kạn đã có phát biểu sâu sắc đối với các nội dung cụ thể quy định trong các dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, nhằm thực hiện kịp thời các kết luận, nghị quyết của Đảng về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.

Đại biểu Thủy cho rằng: Việc tổ chức lại hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân theo mô hình ba cấp thay vì bốn cấp như hiện nay là hướng đi đúng đắn, đồng bộ với sắp xếp tổ chức chính quyền cấp huyện, phù hợp với thực tiễn yêu cầu cải cách bộ máy hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát toàn diện các quy định liên quan trong 2 dự thảo Luật trên để đảm bảo tính đồng bộ, tránh việc sửa đổi cục bộ, thiếu nhất quán, ngoài các điều khoản được sửa đổi trong dự thảo hiện tại, nhiều quy định khác liên quan cũng cần được cập nhật để thực hiện đúng tinh thần kết luận của Trung ương.

Đối với Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, về nội dung sửa đổi chế định kiểm sát viên, đại biểu Thủy cho rằng, việc bổ sung quy định mở về “nhiệm vụ, quyền hạn khác” của kiểm sát viên là chưa đủ chặt chẽ, dễ dẫn đến tình trạng cán bộ không chuyên trách nghiệp vụ vẫn được bổ nhiệm chức danh tư pháp, làm giảm uy tín và tính chuyên môn của hệ thống kiểm sát. Đại biểu đề nghị bổ sung hai điều vào dự thảo Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân: Một là, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên Viện Kiểm sát tối cao; Hai là, quy định rõ nhiệm vụ của các ngạch kiểm sát viên còn lại (sơ cấp, trung cấp, cao cấp), đảm bảo sự minh bạch, thống nhất và tránh lạm dụng trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, về vấn đề thay đổi tên gọi các ngạch kiểm sát viên từ "kiểm sát viên trung cấp" thành "kiểm sát viên chính", "kiểm sát viên sơ cấp" thành "kiểm sát viên", đại biểu Thủy đề nghị giữ nguyên tên gọi hiện hành để đồng bộ với các luật tư pháp khác như Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành án dân sự. Việc đổi tên mà không thay đổi bản chất dễ gây xáo trộn hệ thống văn bản, giấy tờ, gây lãng phí và không cần thiết.

Quan tâm đến quy định về tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân, đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết quy định về tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân khu vực và Viện Kiểm sát quân sự khu vực trong dự thảo luật chưa có sự thống nhất (nơi có/không có văn phòng, các phòng), do đó đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh lại để thống nhất cơ cấu tổ chức của hai loại hình viện kiểm sát này, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với thực tiễn.

Còn đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Huân cho biết, quy định về nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh quy định trong dự thảo nêu: “thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các sở”. Tuy nhiên, hiện nay các sở, ngành ở địa phương chủ yếu đóng vai trò là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nhà nước, chứ không phải là cơ quan trực tiếp thực hiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định này là thanh tra là có trách nhiệm là chấp hành pháp luật trong công tác, trong các lĩnh vực do các sở, ngành tham mưu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh cho phù hợp, đảm bảo phản ánh đúng vai trò, chức năng hiện hành của các sở, ngành ở địa phương.

Phân tích quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu Huân chỉ rõ, dự thảo hiện nay quy định có ba chức danh được quyền xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và Thanh tra viên. Nhưng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì “người ra quyết định thanh tra” lại không có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét quy định tăng thêm thẩm quyền xử phạt hành chính đối với Chánh Thanh tra hoặc là sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Với 08 lượt đại biểu tham gia thảo luận, Phiên thảo luận tại Tổ 11 đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự thẳng thắn, sâu sát thực tiễn và tâm huyết của các đại biểu đối với công tác xây dựng pháp luật. Những góp ý cụ thể, mang tính xây dựng sẽ góp phần hoàn thiện các dự thảo luật, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và phù hợp với yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp trong giai đoạn mới./.

Ái Vân

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/dbqh-tinh-bac-kan-tich-cuc-gop-y-cac-du-thao-luat-ve-tu-phap-post70676.html