ĐBQH tỉnh Nghệ An lấy ý kiến dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Ngày 16.5, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi).
Dự Hội nghị về phía Đoàn ĐBQH tỉnh có: Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung; ĐBQH Vi Văn Sơn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Nhật Minh.
Về phía tỉnh có: Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Thu; cùng đại diện các ban, sở, ngành liên quan; các tổ chức tín dụng…
Quyền, trách nhiệm của người vay phải được quy định rõ
Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) gồm 10 chương, 200 điều quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản TCTD; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản, xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ. Dự thảo luật đã kế thừa Luật Các TCTD hiện hành và bổ sung 1 chương về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Tại Hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào các quy định về tổ chức quản trị, điều hành của TCTD; quy định về hoạt động ngân hàng điện tử và các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD; quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; quy định về cơ cấu lại các TCTD yếu kém; quy định quản lý, đóng, mở các tài khoản ngân hàng… Trong đó, vấn đề thu hút sự quan tâm nhất là xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vấn đề quyền và trách nhiệm của người vay phải được quy định rõ ràng, chính xác trong Luật Các TCTD (sửa đổi); trong đó, phải chi tiết trách nhiệm của người vay để tránh việc né tránh trách nhiệm và dễ xử lý vấn đề nợ xấu của ngân hàng... Ngoài ra, một số vấn đề liên quan hoạt động dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm tài chính... cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận tại Hội nghị. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, vấn đề giáo dục tài chính, cảnh báo rủi ro đang được Ngân hàng chấn chỉnh, khắc phục.
Bảo đảm không xung đột lợi ích
Góp ý vào Điều 93 khoản 5 nội dung dự thảo quy định tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và cung cấp tài liệu chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn…, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vinh Lê Hồng Quảng đề nghị: bên cạnh tài liệu, bổ sung cụm từ “dữ liệu” để phù hợp với việc cấp tín dụng thông qua phương tiện điện tử.
Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) chi nhánh Nghệ An Lê Thị Mộng Lý cũng đề xuất: tại mục a, khoản 2, Điều 93 của dự thảo, xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay, cần quy định rõ khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ là bao nhiêu để các TCTD dễ thực hiện các quy định của Luật TCTD.
Liên quan đến quy định hạn chế cấp tín dụng ở Điều 126 của dự thảo (TCTD không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau: Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại chính TCTD đó), bà Lê Thị Mộng Lý cho rằng cần bỏ nội dung này bởi số lượng người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng là khá lớn khi đây là nghiệp vụ lớn của ngân hàng. Trong công tác phê duyệt cấp tín dụng đã được tách bạch các khâu, bảo đảm không xung đột lợi ích, vì vậy người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng cũng chỉ là một vị trí nghiệp vụ như các nghiệp vụ khác: Đề xuất tín dụng, giải ngân, giao dịch viên…
Đánh giá cao các ý kiến mà các đại biểu góp ý vào dự thảo Luật TCTD (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Thái Thị An Chung cho biết: Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến của đại diện các tổ chức tín dụng, các ban, ngành để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao; đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, gửi ý kiến đóng góp chuyên sâu về Đoàn ĐBQH để Đoàn tổng hợp.