ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Căn cước

Sáng nay (10/6), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về Dự án Luật Căn cước. Tham gia phát biểu ý kiến, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi luật và đồng tình với việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.

ĐBQH Lò Thị Luyến phát biểu tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Căn cước sáng 10/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

ĐBQH Lò Thị Luyến phát biểu tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Căn cước sáng 10/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

So với luật hiện hành, Dự thảo Luật Căn cước đã bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá, quy định này rất nhân văn, tạo điều kiện cho người gốc Việt Nam được hưởng quyền lợi, chính sách của Đảng, Nhà nước và có cơ sở trong giao dịch dân sự, bên cạnh đó còn giúp cơ quan nhà nước quản lý tốt về nhân khẩu.

Liên quan đến quy định về cấp số định danh dành cho người gốc Việt Nam, khoản 2, Điều 5 Dự thảo Luật quy định người gốc Việt Nam có quyền được cấp số định danh. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 13 lại quy định số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. ĐBQH Quàng Thị Nguyệt cho rằng, quy định tại hai điều khoản này có sự mâu thuẫn, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cấp số định danh cá nhân cho người gốc Việt Nam vào khoản 1 Điều 13, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 5, Dự thảo Luật.

Đánh giá về căn cước điện tử, ĐBQH Lò Thị Luyến nhận định việc cấp căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử) để thay thế giấy tờ truyền thống là rất tốt trong một xã hội tiến tới văn minh, giúp cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số...

Khoản 2, Điều 31 Dự thảo Luật quy định việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng căn cước điện tử. Căn cước điện tử được sử dụng để thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của người dân. Theo đại biểu, như vậy có thể hiểu việc cấp căn cước điện tử và sử dụng căn cước điện tử phải căn cứ vào nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong thực tế, khi triển khai định danh điện tử trên ứng dụng VNeID hiện đang yêu cầu tất cả công dân được cấp căn cước công dân phải có trách nhiệm định danh điện tử. Nếu không thực hiện thì phố, phường nhắc nhở, nêu tên trên loa, gửi danh sách về nhà hoặc cơ quan. Trong khi đó, để triển khai định danh điện tử thì mỗi công dân phải có một điện thoại thông minh, 01 sim điện thoại chính chủ.

“Có những người không có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử như người già (80, 90 tuổi không biết dùng điện thoại và cũng không có nhu cầu dùng) hoặc không có khả năng để thực hiện như người dân vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn, không có điện thoại, sóng điện thoại, không có điện... Việc yêu cầu tất cả công dân được cấp căn cước công dân phải có trách nhiệm định danh điện tử đã gây sự bất bình, bức xúc trong nhân dân” - ĐBQH Lò Thị Luyến nêu thực trạng.

Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, khoản 3, Điều 23, Dự thảo Luật quy định thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước, gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định (không tích hợp thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp). Hiện tại trên ứng dụng VNeID, ngoài các thông tin như trên còn có thông tin về thuế và người phụ thuộc nhưng không thấy Dự thảo Luật đề cập. Đồng thời, Dự thảo Luật quy định không tích hợp thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đặt câu hỏi, vậy giấy tờ do Bộ Công an cấp cho lực lượng Công an thì sao? Có tích hợp không?

ĐBQH Quàng Thị Nguyệt phát biểu tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Căn cước sáng 10/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

ĐBQH Quàng Thị Nguyệt phát biểu tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Căn cước sáng 10/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Về thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, Điều 27 Dự thảo Luật quy định, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của Luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trong thời hạn 07 ngày làm việc.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, vì với điều kiện về hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước hiện nay vẫn còn hạn chế; hệ thống đường truyền vẫn chưa đảm bảo; trang thiết bị phục vụ cho việc cấp thẻ căn cước cũng bắt đầu xuống cấp qua 03 năm triển khai thực hiện; trong khi đó thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo dự thảo Luật được quy định tại Điều 29 do Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an thì việc quy định “trong thời hạn 07 ngày làm việc” như dự thảo luật sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành” - ĐBQH Quàng Thị Nguyệt nêu ý kiến.

Về thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước, ĐBQH Lò Thị Luyến phân tích, điểm b, khoản 4 Điều 30 quy định Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao thực hiện thu hồi thẻ căn cước có trách nhiệm giao lại thẻ căn cước đã thu hồi cho cơ quan quản lý căn cước. Tuy nhiên Dự thảo Luật chưa có quy định trong thời gian bao lâu kể từ ngày thu hồi thì Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao phải nộp cho cơ quan quản lý căn cước.

Liên quan đến nội dung này, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước về thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước vào khoản 5, Điều 6 và quy định cụ thể các trường hợp bị thu hồi thẻ căn cước.

Về việc khóa, mở khóa căn cước điện tử, khoản 2, Điều 34 quy định việc khóa, mở khóa căn cước điện tử được thực hiện theo pháp luật về định danh điện tử. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị đưa nội dung này về Điều 35 về khóa, mở khóa căn cước điện tử. Ngoài ra, đại biểu phân tích, hiện tại chưa có pháp luật về định danh điện tử, mới chỉ có nghị định của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử (Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022). Đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện việc khóa, mở khóa căn cước điện tử.

Mai Hồng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/206526/dbqh-tinh-tham-gia-y-kien-vao-du-thao-luat-can-cuoc